Chiều 17/6, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trình Quốc hội tờ trình về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).
Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, bảo đảm số lượng phù hợp với nhu cầu công chứng và phát triển ổn định, bền vững.
Phó Thủ tướng cho biết, dự thảo quy định độ tuổi hành nghề của công chứng viên là đến 70 tuổi. Ngoài ra, điều khoản chuyển tiếp quy định công chứng viên trên 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn tối đa 2 năm.
Công chứng viên từ 68 - 70 tuổi được hành nghề công chứng đến khi tròn 72 tuổi. Khi hết thời hạn này, việc miễn nhiệm công chứng viên được thực hiện theo quy định của luật.
Thẩm tra nội dung độ tuổi hành nghề của công chứng viên, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với việc bổ sung quy định về giới hạn độ tuổi bổ nhiệm, hành nghề của công chứng viên như quy định của dự thảo Luật.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng công chứng viên cao tuổi có nhiều kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng hành nghề công chứng. Do vậy, việc dự thảo Luật giới hạn độ tuổi hành nghề công chứng là 70 tuổi sẽ “gây lãng phí nguồn lực xã hội”.
Với sự phát triển của y học hiện nay, đề nghị không nên giới hạn độ tuổi hành nghề của công chứng viên mà nên quy định điều kiện bảo đảm sức khỏe hoặc giới hạn một độ tuổi hành nghề cao hơn 70 tuổi.…
Về một nội dung khác, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, dự thảo Luật mới quy định Giám đốc Sở Tư pháp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Trưởng Phòng công chứng thay vì giao cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành như hiện nay. Sở Tư pháp cũng là cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng thay vì UBND cấp tỉnh như hiện nay để tăng cường phân cấp, phân quyền.
Dự thảo đã sửa đổi một số quy định nhằm thực hiện chủ trương, yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh. Cụ thể, giảm thời gian công tác pháp luật để bổ nhiệm công chứng viên 5 năm xuống còn 3 năm; hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên giảm từ 7 loại giấy tờ xuống còn 3 loại giấy tờ.
Thẩm tra nội dung trên, có ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cho rằng quy định giảm thời gian công tác pháp luật “chưa phù hợp với định hướng và chủ trương nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, chưa đồng bộ với các nội dung sửa đổi về bỏ quy định miễn đào tạo nghề công chứng, tăng thời gian tập sự hành nghề công chứng...”.
Do đó, đề nghị giữ quy định về thời gian công tác pháp luật là 5 năm như luật hiện hành để xem xét, bổ nhiệm công chứng viên.
Về giảm tải thủ tục, đơn giản hóa hồ sơ, cơ quan thẩm tra cho rằng các giấy tờ trong hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên là nhằm xác nhận việc đáp ứng các yêu cầu về nội dung, điều kiện bổ nhiệm.
Như vậy, cần phải làm rõ, nếu trong hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên không có các giấy tờ nêu trên thì việc kiểm soát điều kiện bổ nhiệm công chứng viên được thực hiện thông qua phương pháp nào (phương pháp tiền kiểm hay hậu kiểm).