XEM CLIP:
“Chia lửa” với Bộ trưởng VH-TT&DL tại phiên chất vấn sáng nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dành 3 phút trong phần giải trình của mình để nói về vấn đề liên quan tới tín ngưỡng, tôn giáo mà nhiều đại biểu quan tâm.
Phó Thủ tướng đồng tình rằng phải phản đối, đấu tranh chống mê tín dị đoan, lợi dụng tâm linh để trục lợi.
“Các vi phạm phải xử lý nghiêm, kể cả các tổ chức tôn giáo cũng cần xử lý nghiêm các vi phạm này”, ông nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam |
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ là vấn đề pháp luật mà còn liên quan tới vấn đề tuyên truyền, phổ biến, vận động trong đó có vai trò của các tổ chức tôn giáo.
Ông cho biết, chủ trương của Đảng, Nhà nước là tôn trọng tự do tín ngưỡng, tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo hoạt động đúng quy định của pháp luật, góp phần xây dựng bảo vệ tổ quốc.
Bên cạnh đó, khi các tôn giáo vào Việt Nam thì cũng ảnh hưởng qua lại, dung hòa với các tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống của cộng đồng dân cư, dân tộc Việt Nam.
Phó Thủ tướng cho rằng, nói về tôn giáo, thực hành tín ngưỡng thì phải đặc biệt chú ý vấn đề này vì đây là niềm tin và sự thực hành thường nhật của một bộ phận lớn người dân Việt Nam mà chúng ta cần tôn trọng.
“Trong quá trình đó, những cái gì không phù hợp thì chúng ta chỉ ra và vận động để loại bỏ dần”, ông nói.
Chuẩn bị xây dựng luật về ngôn ngữ tiếng Việt
Trước đó, ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) nêu vấn đề chúng ta đang lúng túng trong việc quy định về hành vi dâm ô trẻ em để phân định về hành vi cưng nựng trẻ em, yêu thương trẻ em. Hay như cách tiếp cận giữ gìn thói quen văn hóa ứng xử truyền thống trong góp ý luật Phòng, chống tác hại rượu, bia vừa qua.
Nữ ĐB hỏi liệu đã đến lúc chúng ta cần hình thành khung pháp lý để bảo vệ ngôn ngữ tiếng Việt, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chuẩn hóa khái niệm, quan niệm về văn hóa, đạo đức, nét đẹp truyền thống của dân tộc trong tiến trình xây dựng luật pháp và quản lý nhà nước bằng bộ ngôn ngữ tiếng Việt trung tính và khách quan chưa?
“Vấn đề này tôi trân trọng gửi đến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng GD-ĐT”, bà Hiền nêu.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, rất đồng tình với ý kiến của ĐB Hiền, song khẳng định hiện nay đã có khung pháp lý với rất nhiều quy định tại các văn bản luật, thậm chí Hiến pháp, các nghị định và các quy định này đang không ngừng được hoàn thiện, bổ sung, sửa đổi.
Đối với vấn đề tiếng Việt, Phó Thủ tướng cũng khẳng định rất đồng tình với đề xuất của ĐB.
Tại kỳ họp thứ 4, đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa đã đề xuất ban hành luật về tiếng Việt. Chính phủ rất quan tâm tới vấn đề này.
“Hiện chúng tôi đã giao cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội trong đó có Viện Ngôn ngữ nghiên cứu 10 đề tài khoa học với các khía cạnh khác nhau để chuẩn bị các luận cứ cho việc xây dựng luật này”, Phó Thủ tướng nói.
Ông cho biết cũng đã đề nghị Bộ KH-CN và GD-ĐT phối hợp tham gia việc này.
Đưa ứng dụng trí tuệ nhân tạo xử lý ngôn ngữ vào QH
Trả lời ĐB về phát triển du lịch 4.0, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ VH-TT&DL tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Hiện nay, Chính phủ và các bộ, ngành đã làm được nhiều việc, ví dụ như đưa chương trình ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) xử lý ngôn ngữ vào QH, tất cả các phát biểu lập tức được máy đưa sang văn bản.
Chương trình này do các công ty dịch vụ công nghệ thông tin cung cấp, nhưng đằng sau đó là chương trình phát triển công nghệ do Chính phủ chỉ đạo.
Bên cạnh đó, việc giới thiệu địa điểm, sản phẩm du lịch trên mạng cũng được thúc đẩy, phát triển thanh toán điện tử.
Theo ông Đam, vừa qua các bộ, ngành đã cố gắng làm chương trình phối hợp nên thanh toán qua điện thoại di động 6 tháng tăng rất nhanh, trong khu vực ASEAN thì Việt Nam có tốc độ nhanh nhất.
"Quý 1 vừa qua Thống đốc NHNN báo cáo tổng số giao dịch thanh toán qua điện thoại di động của Việt Nam tăng 97%", ông Đam nói.
Ông cho hay, Việt Nam đã bắt đầu chương trình số hoá di sản bảo vật quốc gia, vật phẩm quý ở bảo tàng để giới thiệu với thế giới.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đã xử lý chương trình tiếng nói, dịch tự động để khắc phục việc thiếu hướng dẫn viên tiếng hiếm. Ở Huế và một số địa phương đã dùng công nghệ thông tin để khắc phục một số vấn đề trong đó có vấn đề môi trường.
Chưa phát hiện cán bộ, công chức nào góp tiền xây chùa trục lợi
Giải trình thêm về việc "có kinh doanh chùa hay không" sáng nay, Bộ trưởng Nội vụ khẳng định: "Chưa phát hiện cán bộ, công chức nào góp tiền xây chùa kinh doanh, trục lợi".
Hương Quỳnh - Thu Hằng