Chiều 29/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã tới dự và phát biểu tại Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động 5 năm của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (gọi tắt là Ủy ban).
Phó Thủ tướng cho hay, kể từ khi thành lập, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ luôn chia sẻ với Ủy ban, các tập đoàn, tổng công ty và cộng đồng doanh nghiệp với phương châm chung sức đồng lòng tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà bày tỏ mong muốn các lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước thông qua Ủy ban tạo nên một tập thể mạnh mẽ, để nghiên cứu và đề xuất một số vấn đề lý luận từ thực tiễn cho mô hình quản lý vốn, quản lý bộ máy tổ chức, đặc biệt là mô hình doanh nghiệp nhà nước vận hành như thế nào trong nền kinh tế thị trường sao cho phù hợp. Điều này sẽ liên quan đến rất nhiều bộ luật và sẽ cần phải điều chỉnh.
“Phải xuất phát từ thực tiễn thì mới có những đề xuất chính xác được”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói và khẳng định: “Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện để 19 doanh nghiệp do Ủy ban có thể tiếp tục kiện toàn, xây dựng, củng cố dựa trên nền tảng tổ chức, bộ máy và con người có kinh nghiệm, để cùng đất nước chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.”
Ủy ban hiện quản lý lượng vốn khoảng 2.450.000 tỷ đồng, tuy nhiên Phó Thủ tướng cho rằng một trong số đó chưa chuyển hoá thành vốn do đang bị “đóng băng” và “xơ cứng”.
Lãnh đạo Chính phủ mong muốn Ủy ban sẽ chuyển hoá được nguồn lực này để tập trung vào những mũi nhọn, để đồng vốn không bị “đóng băng”.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thành lập từ năm 2018, hiện được giao làm đại diện chủ sở hữu với 19 tập đoàn, tổng công ty có vốn nhà nước.
Đến năm 2022, so với thời điểm bắt đầu chuyển về Ủy ban vào năm 2018, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty tăng 9% và chiếm khoảng 65% tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước trong cả nước. Doanh thu hợp nhất của 19 đơn vị này tăng từ 19,4% lên 20% so với GDP của cả nước.
Riêng năm 2022, tổng doanh thu hợp nhất đạt 1,871 triệu tỷ đồng; tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 103.310 tỷ đồng; tổng giá trị nộp ngân sách nhà nước hợp nhất đạt 227.990 tỷ đồng, tăng cao so với các năm trước.
19 tập đoàn, tổng công ty tăng trưởng tốt, có hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội cho thấy việc tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu và chức năng quản lý nhà nước là phù hợp.
Đến năm 2023, 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu chiếm khoảng 49% thị phần vận tải hành khách hàng không nội địa; quản lý 21/22 cảng hàng không dân dụng trên cả nước; 16% hàng hoá vận tải biển; 100% điều hành và vận tải giao thông đường sắt; 45% thuê bao di động; 41% băng rộng cố định mặt đất. Khối lượng vận chuyển đạt 126 triệu lượt hành khách, 114,5 triệu tấn hàng hoá.