Trong khuôn khổ Ngày An toàn thông tin Việt Nam năm 2019 chủ đề “Nâng tầm An toàn, An ninh mạng quốc gia trong kỷ nguyên số” diễn ra hôm nay, ngày 29/11 tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã chính thức khai trương Hệ thống chia sẻ và giám sát an toàn thông tin phục vụ Chính phủ điện tử. Sự kiện có sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng; Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA).
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, không thể phát triển CNTT mà không bảo đảm an toàn, an ninh thông tin để bảo đảm lợi ích cho người dùng CNTT. |
Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao sự phối hợp của Bộ TT&TT, VNISA và tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã luôn nỗ lực cho công tác phát triển CNTT, trong đó có việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. "Nỗ lực của các bạn đã góp một phần không thể thiếu để phát triển CNTT, từ đó góp phần vào phát triển đất nước trong thời gian qua. Tôi cũng cám ơn sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là tổ chức Liên minh viễn thông quốc tế (ITU), các chuyên gia đối với sự phát triển CNTT nói chung và việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin ở Việt Nam nói riêng", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cũng như nhiều quốc gia, Việt Nam không có sự lựa chọn nào khác là nhất thiết phải thúc đẩy CNTT phát triển, trước hết là ứng dụng CNTT trong mọi lĩnh vực của đời sống, từ công tác điều hành của Chính phủ, chính quyền các cấp đến hoạt động của các doanh nghiệp và cả trong sinh hoạt thường ngày của người dân. Đặc biệt, trong bối cảnh chúng ta bước vào thời kỳ mới, thời kỳ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng này có rất nhiều việc phải làm nhưng chắc chắn có một việc là phải đẩy mạnh ứng dụng CNTT và các ngành nghệ dựa trên CNTT.
Khẳng định chúng ta không thể phát triển CNTT mà không bảo đảm an toàn, an ninh thông tin để bảo đảm lợi ích cho người dùng CNTT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: "Trong phát triển CNTT phải có bảo đảm an toàn an ninh và bản thân an toàn, an ninh thông tin cũng thúc đẩy cho phát triển. Điều này như tôi đã nói xuyên suốt là quan điểm của Việt Nam là chúng ta phải phát triển CNTT, không thể vì lo ngại an toàn, an ninh thông tin mà không dấn bước. Chính vì thế, an toàn, an ninh thông tin cũng phải được phát triển”.
Thông tin với các đại biểu, Phó Thủ tướng cho hay, với sự nỗ lực từ nhiều năm, năm 2019, Việt Nam đã nhận tin liên quan đến CNTT và an toàn, an ninh thông tin. Trước hết, mặc dù chúng ta còn chưa hài lòng nhưng theo xếp hạng năng lực cạnh tranh trong thời kỳ cách mạng 4.0 vừa được Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố, Việt Nam tăng 10 bước, tăng nhiều nhất từ trước đến nay và sự tăng trưởng này có sự góp sức của việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Cụ thể, chỉ số thành phần ứng dụng CNTT của Việt Nam đã tăng 54 bậc, vươn lên thứ 41 thế giới.
Tin vui thứ hai, theo Phó Thủ tướng, là việc Việt Nam đã tăng 50 bậc về chỉ số an toàn thông tin toàn cầu so với kỳ xếp hạng trước của ITU, từ thứ 100 lên thứ 50/175 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát đánh giá. Trong 5 chỉ tiêu, về tổ chức, môi trường pháp lý chúng ta tăng rất mạnh song cũng rất lưu ý 3 trụ cột Việt Nam hiện còn yếu, đó là năng lực, các giải pháp kỹ thuật và hợp tác.
Nhấn mạnh, trong phát triển CNTT và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, điều quan trọng nhất vẫn luôn là nhận thức, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thẳng thắn: “Nhiều người nói rằng có những vấn đề chúng ta đã nhận thức, chỉ là thực hiện chưa tốt. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng, nếu thực hiện chưa tốt có nghĩa là nhận thức chưa đủ sâu sắc. Một khi đã thực sự nhận thức được thì sẽ làm tốt. Ví dụ như, nếu đã nhận thức được đảm bảo an toàn, an ninh thông tin là quan trọng thì không thể không đầu tư cho đảm bảo an toàn, an ninh thông tin khi đầu tư cho một hệ thống CNTT”.
Minh chứng cho nhận định của mình, Phó Thủ tướng cho biết, theo thống kê, các nước trên thế giới thường đầu tư trung bình 15 - 20% giá trị của dự án CNTT là dành cho an toàn, an ninh thông tin. Còn tại Việt Nam, tỷ lệ này hiện ở mức dưới 5%. Theo Phó Thủ tướng, với thực tế này, không thể nói Việt Nam đã có nhận thức sâu sắc về an toàn, an ninh thông tin. Vì thế, thời gian tới, nhận thức về sự sống còn, tầm quan trọng của an toàn, an ninh thông tin phải tiếp tục được đẩy mạnh.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, với vai trò của Bộ TT&TT, Hiệp hội và đặc biệt là với sự ra đời của những công cụ rất cụ thể như Hệ thống chia sẻ và giám sát an toàn thông tin phục vụ Chính phủ điện tử, chúng ta sẽ bắt tay chặt chẽ, đồng bộ hơn trên tinh thần cùng cộng đồng trách nhiệm, cùng tin tưởng và vì lợi ích chung. |
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, trong thời đại kết nối số hiện nay, an toàn, an ninh thông tin liên quan trực tiếp đến từng người dân. “Chúng ta cần tiếp tục truyền thông để không chỉ các cơ quan của chính phủ, các doanh nghiệp mà từng người dân cũng nhận thức sâu sắc được chúng ta không thể không sử dụng CNTT nhưng phải chú trọng đảm bảo an toàn thông tin", Phó Thủ tướng đề nghị.
Nêu thực tế nhiều người từ trước đến nay vẫn cho rằng đảm bảo an toàn, an ninh thông tin là rất phức tạp và là việc của các chuyên gia, Phó Thủ tướng chỉ rõ: “Bây giờ cần phải thay đổi nhận thức: đúng là có những việc cần phải có chuyên gia nhưng rất nhiều việc bản thân mỗi người chỉ cần thay đổi thói quen cũng đã góp sức nâng lên đáng kể việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin”.
Nhấn mạnh nhất thiết phải có sự hợp tác trong công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, Phó Thủ tướng chỉ rõ, muốn hợp tác phải có lòng tin lẫn nhau để chia sẻ. Và để hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, chúng ta cũng không được quên phải hợp tác ngay trong cộng đồng trong nước. Hiện nay, với vai trò của Bộ TT&TT, Hiệp hội và đặc biệt là với sự ra đời của những công cụ rất cụ thể như Hệ thống chia sẻ và giám sát an toàn thông tin phục vụ Chính phủ điện tử, chúng ta sẽ bắt tay chặt chẽ, đồng bộ hơn trên tinh thần cùng cộng đồng trách nhiệm, cùng tin tưởng và tất cả vì một lợi ích chung, trong đó có lợi ích của riêng mình.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kỳ vọng, Bộ TT&TT, Hiệp hội sẽ cùng chung tay với các doanh nghiệp để Việt Nam có thể hình thành nên một hệ thống có tính chỉ huy xuyên suốt về chuyên môn, đáp ứng thật nhanh, hiệu lực, hiệu quả; nhưng mặt khác cũng là trung tâm quy tụ, tăng cường sự hợp tác giữa các cơ quan chính phủ với nhau, giữa doanh nghiệp với nhau, cộng đồng với nhau và giữa chính phủ với doanh nghiệp, cộng đồng.
“Tôi tin rằng với cách làm đó, ứng dụng CNTT sẽ được thúc đẩy, từ đó góp phần vào sự phát triển của kinh tế xã hội, để Việt Nam có thể tận dụng tối đa được các cơ hội cuộc CMCN 4.0 đem lại”, Phó Thủ tướng tin tưởng.