Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác BHXH, BHYT năm 2024 vào sáng 17/1.

Tại Hội nghị, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, năm 2023 tình hình kinh tế - xã hội chịu ảnh hưởng tiêu cực của hậu đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, BHXH Việt Nam đã nỗ lực vươn lên đạt nhiều kết quả khả quan.

Cụ thể, trong năm 2023, tỷ lệ người tham gia BHXH đạt khoảng 39,25% so với lực lượng lao động trong độ tuổi với 18,259 triệu người; trong đó khoảng 3,92% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH tự nguyện với gần 1,83 triệu người (vượt 1,42% so với mục tiêu giai đoạn đến năm 2025).

Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đạt 31,58% lực lượng lao động trong độ tuổi, với hơn 14,6 triệu người; tỷ lệ người tham gia BHYT đạt 93,307 triệu người, tăng 2,45% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm khoảng 93,35% dân số.

ava- anh ava.jpg
Sớm trình Quốc hội Luật BHXH sửa đổi (Ảnh minh hoạ)

Trong năm 2023, số tiền thu BHXH, BHTN, BHYT đạt 472.381 tỷ đồng, tăng 8,55% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 101,41% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. Số tiền chậm đóng chiếm 2,69% số phải thu, đây là tỷ lệ thấp nhất tính từ năm 2016 tới nay.

Ông Mạnh cho biết, năm 2024, ngành BHXH Việt Nam xác định nhiệm vụ hết sức khó khăn, nặng nề nhưng với sự chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành Trung ương và chính quyền địa phương, BHXH Việt Nam sẽ quyết tâm phối hợp triển khai hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2024 và những năm tiếp theo.

anh 2 bhxh.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại Hội nghị

Ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được của ngành BHXH trong năm qua, tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, năm 2024 nền kinh tế - xã hội sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy để tiếp tục hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024, ngành BHXH Việt Nam cần tiếp tục duy trì sự đoàn kết, nhiệt huyết, quyết tâm; đồng thời tập trung một số nhóm giải pháp trọng tâm để cụ thể hóa hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch.

Đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông để người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về BHXH, BHYT; triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm tiền chậm đóng; giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về BHXH, BHTN, BHYT.

Kịp thời xử lý các hành vi vi phạm; khai thác, phát huy tối đa hiệu quả CNTT, cơ sở dữ liệu của ngành để kiểm tra, phòng ngừa gian lận, trục lợi quỹ BHXH.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế nghiên cứu, sớm báo cáo, trình Chính phủ để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung đồng bộ Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm và các luật liên quan phù hợp với tinh thần các Nghị quyết của Trung ương về chính sách BHXH, BHYT, BHTN.

UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp phối hợp chặt chẽ với ngành BHXH trong việc triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn.