3h sáng ngày 12/12, một vụ cháy đã xảy ra tại khu nhà để xe của ký túc xá Trường Đại học Hồng Đức (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa).

Vào thời điểm trên, các sinh viên, lực lượng bảo vệ, cùng người dân sinh sống xung quanh khu vực phát hiện ngọn lửa bùng phát tại nhà để xe. Sau đó, mọi người cùng nhau hô hoán di chuyển được một số xe ra khỏi khu vực đám cháy và cùng nhau dập lửa, đồng thời trình báo lực lượng chữa cháy.

Nhận được tin báo, Cảnh sát PCCC&CNCH Thanh Hóa đã huy động hàng chục cán bộ, chiến sĩ cùng các phương tiện chữa cháy có mặt tại hiện trường để tiến hành dập lửa. Sau gần 30 phút chữa cháy, đám cháy được khống chế và dập tắt hoàn toàn. Tuy nhiên, do ngọn lửa cháy lớn và lan nhanh nên đã thiêu rụi hàng trăm xe máy, xe đạp, xe đạp điện.

370604488 1403997863530020 6742237587965505150 n 484.jpg
Khu vực nhà để xe lợp bằng mái tôn bị cháy xém

Trước đó, vào đầu tháng 5, tại Hà Nội cũng xảy ra bãi cháy xe tự phát, thiêu rụi 5 ô tô và một số xe máy. Cụ thể, hồi 13h ngày 6/5, Công an quận Cầu Giấy nhận được tin báo cháy tại số 35, 36 Trần Quốc Hoàn.

Người dân và chủ bãi xe đã tiến hành dập lửa, khống chế ngọn lửa bước đầu nhưng không thành. Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an quận Cầu Giấy đã khẩn trương có mặt tại hiện trường, triển khai các phương án chữa cháy, cứu hộ.

Sau khoảng 20 phút, đám cháy được khống chế, dập tắt. Bước đầu nhà chức trách xác định, có khoảng 5 xe ô tô và một số xe máy bị ảnh hưởng sau vụ cháy.

Từ những vụ cháy bãi trông giữ xe máy, ô tô, các chuyên gia về PCCC&CNCH cho biết, chủ yếu nguyên nhân xảy ra hỏa hoạn tại đây là do bất cẩn của người trông xe cũng như người gửi xe.

"Thỉnh thoảng chúng ta vẫn bất gặp cảnh hút thuốc lá, sửa chữa, thắp nhang, đốt vàng mã, đun nấu… ngay trong khu vực giữ xe, sắp xếp xe vô tội vạ, dồn kín… thậm chí hàn cắt, sử dụng ngọn lửa trần bên cạnh các xe…", vị chuyên gia PCCC&CNCH cho biết.

Để tích cực phòng chống cháy, nổ tại các bãi giữ xe, trên tinh thần tự giác, chủ các bãi giữ xe phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, cùng nhân viên thực hiện nghiêm các giải pháp:

Thứ nhất, tuân thủ các quy định về PCCC trong xây dựng bãi giữ xe. Xây dựng mới, cải tạo hoặc chuyển đổi công năng các bãi giữ xe phải được thẩm duyệt và nghiệm thu về PCCC trước khi đưa vào hoạt động.

Thứ hai, trang bị đầy đủ phương tiện PCCC theo quy định như hệ thống chữa cháy vách tường, hệ thống chữa cháy tự động, bình chữa cháy, bao bố, cát… Các phương tiện này phải được kiểm tra, bảo trì thường xuyên để đảm bảo hoạt động tốt nhất.

Thứ ba, đối với các bãi giữ xe tầng hầm, phải thực hiện các biện pháp thông gió để làm giảm nguy cơ tích tụ hơi xăng, dầu. Sắp xếp xe theo lô, dãy, chủng loại xe đảm bảo khoảng cách để thuận tiện, dễ dàng sơ tán xe khi có cháy (diện tích tối thiểu phải đảm bảo 5 x 2,3 m đối với ô tô; 2,5 m2 đối với xe máy; 0,9 m2 đối với xe đạp).

Thứ tư, không được đun nấu, thờ cúng, hàn cắt kim loại, hút thuốc lá… quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt bên trong và khu vực lân cận bãi giữ xe.

Thứ năm, thường xuyên kiểm tra tình trạng an toàn hệ thống điện tại bãi giữ xe; lắp đặt thiết bị bảo vệ cho hệ thống điện từng khu vực; tách riêng biệt các hệ thống điện: chiếu sáng, bảo vệ phục vụ thoát nạn, chữa cháy, sinh hoạt.

Đồng thời tham gia các cuộc tuyên truyền, huấn luyện về kiến thức và pháp luật PCCC. Nhân viên làm việc ở bãi giữ xe phải được huấn luyện thuần thục về các biện pháp, phương pháp xử lý các tình huống cháy, nổ xảy ra. Lập phương án chữa cháy theo quy định và định kỳ tổ chức thực tập phương án; tăng cường công tác tự kiểm tra an toàn PCCC, đảm bảo các quy định an toàn về PCCC phải được chấp hành nghiêm túc vì lợi ích của bản thân người kinh doanh và cộng đồng.

Thế Vinh và nhóm PV, BTV