Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023), mới đây, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã long trọng tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc. Hội nghị có sự tham dự của 700 đại biểu điển hình tiên tiến toàn quốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương chủ trì và có bài phát biểu quan trọng tại hội nghị.

ton vinh.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Bằng khen và hoa cho các điển hình tiên tiến tiêu biểu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại, cách đây 75 năm, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, chính thức phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Người chỉ rõ: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất", "Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi...".

Lời kêu gọi của Bác như lời hiệu triệu non sông, đã cổ vũ, truyền cảm hứng, động viên, khích lệ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, có nhiều sáng kiến cải tiến trong lao động, sản xuất và chiến đấu, góp phần thiết thực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ đó đến nay, thi đua yêu nước đã thực sự trở thành phong trào rộng khắp từ miền xuôi đến miền núi, biên giới, hải đảo; từ thành thị tới nông thôn với sự tham gia tích cực của người dân, từ các cụ già cho đến các cháu nhỏ và đạt được những kết quả to lớn. Đây là một động lực quan trọng để cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Thủ tướng nhấn mạnh, kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc là dịp để chúng ta bày tỏ lòng thành kính và biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Anh hùng Giải phóng dân tộc, Danh nhân Văn hoá thế giới.

Lời kêu gọi thi đua ái quốc và tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước đến nay vẫn còn nguyên giá trị; là nguồn cổ vũ, động viên, khích lệ lớn lao; tiếp tục tỏa sáng, dẫn đường cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mà Đại hội 13 của Đảng đã đề ra, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng, Nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, các phong trào thi đua yêu nước đã tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn, phát huy tiềm năng, thế mạnh của cả nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng.

Khi đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, nhất là trong gần 40 năm đổi mới, các phong trào thi đua ngày càng nở rộ, đa dạng trên tất cả các lĩnh vực, gắn với các tầng lớp nhân dân, có sức lôi cuốn, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Tiêu biểu như phong trào "Lao động giỏi, lao động sáng tạo"; "Vì an ninh Tổ quốc"; "Dạy tốt, học tốt"; "Dân vận khéo", "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau", "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19"…

Thủ tướng nhấn mạnh: "Những phong trào thi đua này đã tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn, phát huy tiềm năng, thế mạnh của cả nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng. Qua đó đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả, để "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

Thủ tướng nhìn nhận, từ trong phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu trên các lĩnh vực: Những tấm gương anh dũng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên của nhân dân; những tấm gương thầm lặng cống hiến cho khoa học, cho sự nghiệp trồng người; những công nhân vệ sinh môi trường lặng lẽ làm việc ngày đêm; những người cần mẫn trồng cây gây rừng, những tấm gương trong phòng chống đại dịch COVID-19…

Thủ tướng cho rằng tại hội nghị có 700 đại biểu điển hình tiên tiến  - những bông hoa tươi thắm trong phong trào thi đua yêu nước, là những tấm gương tiêu biểu, đại diện cho hàng triệu tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trên mọi miền của Tổ quốc. Những điển hình tiên tiến dù ở độ tuổi, cương vị nào, ngành nghề nào đều tỏa sáng tinh thần yêu nước, sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; tiêu biểu cho ý chí, nghị lực, khát vọng vươn lên, cống hiến vì cộng đồng, xã hội.

"Tôi tin chắc còn có rất nhiều tấm gương thầm lặng khác đang ngày đêm đóng góp công sức, trí tuệ, nguồn lực cho đất nước ở tất cả các lĩnh vực, trong mọi tầng lớp nhân dân và đồng bào ta ở nước ngoài", Thủ tướng khẳng định.

img0453 16864569767182027194581.jpg
Các đại biểu tham dự Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc.

Cho rằng đất nước ta đang đứng trước những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, để làm tốt hơn nữa Lời kêu gọi thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục quán triệt, thấm nhuần sâu sắc tinh thần "càng khó khăn thì càng phải thi đua", tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về thi đua, khen thưởng; gắn công tác thi đua, khen thưởng với thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược; thúc đẩy mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Thủ tướng yêu cầu Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Mặt trận Tổ quốc, các bộ, ban, ngành, địa phương và các đoàn thể cần tiếp tục phát động, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước có trọng tâm, trọng điểm, gắn với giải quyết các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, địa phương, đơn vị; tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức công tác thi đua, khen thưởng; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu; nâng cao năng lực cán bộ thực thi; bảo đảm thực chất, thiết thực, hiệu quả, hướng về cơ sở; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; tránh hình thức, tránh tiêu cực, lợi dụng thi đua, khen thưởng vào mục đích cá nhân, lợi ích nhóm.

"Phải gắn việc thực hiện các phong trào thi đua với việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; cải cách tư pháp, cải cách hành chính; gìn giữ và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế", Thủ tướng lưu ý.

Đối với các điển hình tiên tiến, Thủ tướng đề nghị không chủ quan, thoả mãn, luôn giữ vững tinh thần, nhiệt huyết, tiếp tục cố gắng, nỗ lực phấn đấu, không ngừng vươn lên, cống hiến nhiều hơn nữa cho cộng đồng và xã hội, cho Tổ quốc và nhân dân; thực sự là những tấm gương sáng cho mọi người học tập.

Tuấn Kiệt và nhóm PV, BTV