XEM CLIP:

Đường Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở (Hà Nội) được thiết kế với 4 làn xe chạy ở hai chiều. Tốc độ lưu thông tối đa 80 km/h, đoạn cầu nhánh 60 km/h.

Đây là tuyến đường chỉ dành cho ô tô, lực lượng chức năng đặt biển cấm xe gắn máy, xe mô tô, xe đạp người đi bộ. 

Người điều khiển xe máy "phớt lờ" biển cấm để đi lên Vành đai 2 tren cao

Ghi nhận vào sáng 7/9, tại đường từ Vành đai 2 trên cao xuống đường Trường Chinh (hướng từ cầu Vĩnh Tuy đi đường Láng), có hàng đoàn xe máy ngang nhiên vi phạm.

Các xe này đi lên đường Vành đai 2 trên cao từ đường dẫn lên khu vực cầu Vĩnh Tuy, lưu thông gần 5km đến điểm xuống nút Ngã Tư Sở.

Không có làn đường cho xe máy nên nhiều người khiển xe lên đây phải luồn lách giữa làn ô tô
Xe máy luồn lách giữa hàng ô tô tiềm ẩn gây tai nạn giao thông

Tài xế Nguyễn Tiến Hiệp (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, bản thân anh rất ngao ngán khi phải điều khiển ô tô "đi chung" với xe máy trên Vành đai 2 trên cao.

"Họ bất chấp nguy hiểm, luồn lách, tạt đầu ô tô ở làn đường 80 km/h, tôi rất lo ngại nếu xảy ra tai nạn thì trách nhiệm của người điều khiển ô tô, xe máy thế nào", tài xế Hiệp bày tỏ.

Chị Nguyễn Như An (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, từ thời điểm tháng 1/2023 tuyến đường này được thông xe, tình trạng xe máy cố tình đi vào đường cấm thường xuyên xảy ra mà không thấy có lực lượng CSGT xử lý.

Thậm chí, người điều khiển xe máy đi lên Vành đai 2 trên cao còn không đội mũ bảo hiểm

Ghi nhận tại chiều đường ngược lại, lối lên Vành đai 2 trên cao từ nút giao Ngã Tư Sở, lượng xe máy đi vào đường cấm cũng khá đông.

Lối lên Vành đai 2 trên cao hướng từ Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng

Theo Nghị định 100/2019, tài xế sẽ bị phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng đối với người điều khiển xe đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển. Ngoài ra, người điều khiển phương tiện bị tước Giấy phép lái xe 1 - 3 tháng.