Phù Cừ là địa phương đầu tiên của tỉnh Hưng Yên đặt quyết tâm cao trong xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt 62,3 triệu đồng/năm; giá trị thu trên 1ha canh tác đạt trên 200 triệu đồng; tỉ lệ hộ nghèo còn 3,17 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025. Hiện toàn huyện đã có 9/13 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, 9 thôn đạt khu dân cư NTM kiểu mẫu. Đây là những tiền đề quan trọng để Phù Cừ tiến tới xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
Ngày 12/1/2022, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký Quyết định số 60, phê duyệt Đề án xây dựng huyện Phù Cừ đạt NTM kiểu mẫu về bảo vệ môi trường và phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, định hướng ứng dụng công nghệ cao.
Một tháng sau khi quyết định được ký, Huyện ủy Phù Cừ đã ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm trưởng ban, đồng thời tổ chức quán triệt, triển khai Đề án và phát động phong trào thi đua từ huyện đến các xã, thị trấn và các thôn.
Về lộ trình thực hiện, giai đoạn 2022 – 2025, 5 xã còn lại của huyện sẽ phấn đấu đạt NTM nâng cao.
Năm 2024, Phù Cừ đạt huyện NTM nâng cao, năm 2025, đạt huyện NTM kiểu mẫu về bảo vệ môi trường và phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, định hướng ứng dụng công nghệ cao.
Để đạt được các mục tiêu đã đặt ra, thời gian qua, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở cùng vào cuộc, phát huy sự đồng thuận, nội lực từ cơ sở trong chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng trên đất trồng lúa; lựa chọn giống cây trồng phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, cho hiệu quả kinh tế cao; tích tụ ruộng đất gắn với thực hiện quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh để phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo sản phẩm hàng hóa tập trung, quy mô lớn.
Phù Cừ có bước đi cơ bản, nhanh, bền vững trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và nâng cao. Đặc biệt, đề án xây dựng huyện đạt nông thôn mới kiểu mẫu về bảo vệ môi trường và sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tập trung đã được Phù Cừ chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt với nhiều giải pháp hiệu quả.
Với sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, phát huy sự đồng thuận trong nhân dân, huyện đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành vùng cây ăn quả đặc sản giá trị cao, quy mô lớn với tổng diện tích hơn 3.105 ha. Trong đó tập trung phát triển vào một số cây trồng như nhãn đặc sản 585 ha; 450 ha cây có múi; 1.100 ha vải giá trị kinh tế cao, có 850 ha vải lai chín sớm; 250 ha vải trứng đặc sản…
Huyện triển khai hỗ trợ ứng dụng quy trình thực hành sản xuất VietGAP đối với các vùng sản xuất tập trung, có quy mô lớn; hỗ trợ tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại; triển lãm hàng nông sản; 18 sản phẩm OCOP của huyện đều được hỗ trợ tham gia sàn thương mại điện tử. Có ba vùng đã được cấp chứng nhận vùng có đủ điều kiện xuất khẩu (vùng được cấp mã số OTAS) vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu… Chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn cũng phát triển nhanh theo quy mô tập trung, mô hình hợp tác xã chuyên về nuôi trồng thủy sản phát triển…
Trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, huyện đã đầu tư, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, cải thiện môi trường sống, được tỉnh Hưng Yên đánh giá cao. Huyện đã quy hoạch và triển khai hình thành các cụm công nghiệp Quán Đỏ-Đoàn Đào; Trần Cao-Quang Hưng và Đình Cao tạo nên sự đồng bộ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn. Từ đó, kinh tế của huyện ba năm liền tăng trưởng mạnh (năm 2022 tăng 11%; năm 2023 tăng 13,6%); thu nhập bình quân đầu người tăng đều mỗi năm, đời sống người dân cải thiện nhanh.
Tới thời điểm này, Huyện cơ bản hoàn thiện các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao.