Sắp xếp dân cư, xây dựng các thôn, bản kiểu mẫu

Tây Giang là huyện miền núi cao biên giới của tỉnh Quảng Nam, nơi đây đại đa số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Hơn 10 năm về trước, người dân nơi đây còn sinh sống rải rác dọc theo con sông, suối và ở những vùng trũng. Vì thế, cuộc sống của bà con khá bấp bênh vì mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Cuộc sống của bà con không ổn định nên luôn bị cái đói, cái nghèo đeo bám. 

khu dan cu van hoa thon anonh xa anong huyen tay giang quang nam.png
Từ khi thực hiện Đề án sắp xếp và ổn định dân cư, bộ mặt nông thôn miền núi ở huyện Tây Giang đã thực sự khởi sắc.

Thế nhưng sau hơn 10 năm thực hiện Đề án sắp xếp và ổn định dân cư để phòng tránh thiên tai, đến nay bộ mặt nông thôn miền núi ở huyện Tây Giang đã thực sự khởi sắc. Về Tây Giang hôm nay không chỉ có hệ thống điện lưới quốc gia mà đường giao thông ô tô còn chạy được đến tận thôn, bản. Người dân nơi đây không còn sống rải rác mà đã định canh, định cư tập trung xây dựng các thôn, bản kiểu mẫu, xã nông thôn mới. 

Ông Bhling Mia, Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho biết, hiện nay, bà con đã được đưa về các vùng tái định cư. Huyện đã sắp xếp, bố trí được 123 điểm tái định cư với tổng diện tích 374ha, bố trí trên 5.530 hộ đồng bào các dân tộc tái định cư ổn định, từng bước thay đổi tập quán lao động, sản xuất của người dân để từng bước giảm nghèo bền vững. 

Cơ sở hạ tầng được tập trung đầu tư, hoàn thành bê tông hóa giao thông liên xã, liên thôn; các thôn đều có mặt bằng bố trí dân cư ổn định gắn với sản xuất, hợp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ Tu, từng bước chỉnh trang, mở rộng phù hợp nhu cầu phát triển. 

Nhờ đó, diện mạo của làng, bản khang trang hơn, người dân có cuộc sống tại nơi ở mới tốt hơn, có điều kiện để ổn định sinh kế. Nhiều điểm quy hoạch sắp xếp, bố trí dân cư phù hợp với quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 26,582 triệu đồng/năm; hằng năm tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 5,14%; toàn huyện hiện còn 3.204 hộ nghèo, chiếm 58,36%.

Toàn huyện có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, gồm Anông, Lăng, Atiêng, bình quân 11,7 tiêu chí/xã, tăng 2,6 tiêu chí so với đầu nhiệm kỳ; xây dựng 7 thôn nông thôn mới kiểu mẫu, 13 thôn nông thôn mới.

Tại các xã nông thôn mới như Anông, Lăng, Atiêng, Tr’Hy, Axan... đã hình thành các khu dân cư kiểu mẫu, khang trang, sạch, đẹp; hình thành nhiều sản phẩm OCOP chất lượng và khá độc đáo.

Thực hiện Đề án phát triển văn hoá, thể thao và du lịch, giai đoạn 2022- 2025, định hướng đến năm 2030; đề án hỗ trợ phát triển một số điểm du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới huyện Tây Giang đến năm 2025, năm 2022, huyện đã khôi phục nhà Gươl truyền thống ở các xã và 63 thôn; đồng thời tập trung khôi phục, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ Tu, như: Sưu tầm, hoàn thiện bộ chữ viết Cơ Tu; tổ chức dạy tiếng Cơ Tu cho cán bộ, giáo viên; phục dựng và tổ chức lễ khai năm tạ ơn rừng; lễ hội cồng chiêng, lễ ăn mừng lúa mới… tăng cường các hoạt động giao lưu, quảng bá văn hóa, khảo sát, tôn tạo, đề nghị công nhận các di tích lịch sử văn hóa, các danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa vật thể và phi vật thể,...

Đặc biệt, phong trào xây dựng thôn văn hóa gắn với công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện được triển khai mạnh mẽ và sâu rộng, có sức lan tỏa mạnh mẽ và đạt được nhiều thành quả quan trọng.

Đó là phát động và triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thường xuyên, hiệu quả; song song với đó là khôi phục các làng nghề truyền thống, từ đan lát, điêu khắc cho đến dệt thổ cẩm… với sự tham gia tích cực của cộng đồng, đặc bệt phát huy vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc tuyên truyền, vận động.

Nhờ đó đã tạo dựng diện mạo mới cho nhiều khu dân cư trên địa bàn huyện và thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa văn hóa; duy trì phát triển các hoạt động văn hóa nông thôn lành mạnh, phong phú góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. 

Phấn đấu xây dựng thí điểm ít nhất 2 xã nông thôn mới thông minh 

Theo báo cáo của huyện Tây Giang, tính đến ngày 30/6/2023, bình quân chung số tiêu chí nông thôn mới đạt chuẩn của toàn huyện theo Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2022-2025 là 9,6 tiêu chí/xã.

Cụ thể, nhóm xã đã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 gồm 3 xã Anông, Lăng và Atiêng đạt bình quân 12 tiêu chí/xã; nhóm xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 gồm 2 xã Bhalêê và Axan, đạt bình quân 8 tiêu chí/xã; nhóm xã đạt chuẩn trên 15 tiêu chí giai đoạn 2021-2025 gồm 5 xã Dang, Avương, Tr’hy, Gari và Ch’ơm, đạt bình quân 8,6 tiêu chí/xã.

Hiện nay, huyện đã tổ chức thẩm định phương án xây dựng 11 thôn nông thôn mới kiểu mẫu, đã phê duyệt 2 thôn Cr’toonh và Aréc (xã Avương).

Tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tây Giang lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, huyện Tây Giang cho biết: Trong nửa nhiệm kỳ 2020 – 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tây Giang đã duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới , gồm 3 xã Anông, Lăng, Atiêng; phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ toàn huyện sẽ có 5/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã dưới 10 tiêu chí. 

Tuy là huyện miền núi cao biên giới của tỉnh Quảng Nam, có xuất phát điểm thấp nhưng hôm nay đặt chân đến Tây Giang, không ai không khỏi ngỡ ngãng bởi hiện nay, sóng thông tin di động đã phủ sóng đến 100% trung tâm các xã trên địa bàn huyện, toàn huyện có 50 trạm thu phát sóng BTS, có hơn 13.642 thuê bao điện thoại, số thuê bao internet là hơn 907 thuê bao, số thuê bao truyền hình 250 thuê bao; tỷ lệ số thôn được phủ sóng điện thoại di động 3G, 4G trên địa bàn huyện là 52/63 thôn, đạt 83%. 

Về hạ tầng công nghệ thông tin, hiện 100% các cơ quan nhà nước; doanh nghiệp; trường học, các cơ sở y tế trên địa bàn huyện đều lắp đặt, sử dụng mạng Internet băng thông rộng; UBND 10 xã đã có mạng cáp quang Internet băng thông rộng để phục vụ công việc hằng ngày; 6/10 xã có đường truyền số liệu chuyên dùng; tỷ lệ số thôn có mạng cáp quang Internet là 17/63 thôn, đạt 30%. 100% các cơ quan, đơn vị, địa phương đều đã được cấp tài khoản và sử dụng phần mềm Q-Office. Có 2 doanh nghiệp viễn thông đang hoạt động để cung cấp các dịch vụ viễn thông, Interrnet là VNPT và Viettel.

Chính vì vậy, năm 2023, Tây Giang phấn đấu xây dựng thí điểm ít nhất 2 xã nông thôn mới thông minh theo lĩnh vực nổi trội. Trong đó, 2 xã Bhalêê và Axan nằm trong lộ trình xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Cùng với đó, có ít nhất 1 mô hình thôn nông thôn mới thông minh.

Theo đó, để hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, trong năm 2023, xã Bhalêê phấn đấu đạt 5 tiêu chí gồm quy hoạch; trường học; cơ sở vật chất văn hóa; cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; thông tin và truyền thông; xã Axan phấn đấu đạt 4 tiêu chí gồm quy hoạch; cơ sở vật văn hóa; thông tin và truyền thông; y tế.

Để đảm bảo mục tiêu, kế hoạch đề ra, ngay từ đầu năm 2023, UBND huyện Tây Giang đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới NTM thông minh.

Cụ thể, kế hoạch hướng đến mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh.

Trúc Lâm