Nâng tầm thương hiệu nông sản

Truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nhất là mặt hàng nông sản đã trở thành yêu cầu bắt buộc trong sản xuất, phân phối và tiêu thụ hàng nông sản. Chính vì vậy, ý thức rõ vai trò dán QR code hết sức quan trọng đối với người sản xuất và các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, HTX, thời gian qua Sở NN&PTNT Phú Thọ đã tập trung hỗ trợ người dân gắn tem truy xuất nguồn gốc cho nông sản, qua đó minh bạch “lý lịch” dưới sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời bảo vệ được nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu doanh nghiệp, giúp các mặt hàng nông sản, sản phẩm OCOP khẳng định giá trị trên thị trường.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Thọ: Toàn tỉnh Phú Thọ hiện có hơn 2.000 sản phẩm nông nghiệp được gắn tem nhãn tích hợp mã QR truy xuất nguồn gốc, trong đó chủ yếu là các mặt hàng như: Bưởi Đoan Hùng, thịt chua Thanh Sơn, chè Tân Sơn, gạo Tam Nông và các loại rau củ quả an toàn Việt Trì...  Về chủ thể được lựa chọn áp dụng dán tem truy xuất nguồn gốc là những hộ, cơ sở sản xuất, HTX được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, chứng nhận VietGAP, HACCP... đáp ứng các quy định về công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, nhãn, mác hàng hóa.

my gao hung lo.jpg
Toàn tỉnh Phú Thọ hiện có hơn 2.000 sản phẩm nông nghiệp được gắn tem nhãn tích hợp mã QR truy xuất nguồn gốc.

Song song với công tác dán QR code với từng sản phẩm, việc xây dựng các vùng chuyên canh, vùng đặc sản, vùng chuyên chế biến sản phẩm OCOP cũng được địa phương đẩy mạnh. Ví dụ, tại xã Long Cốc, huyện Tân Sơn - nơi có những đồi chè lớn nhỏ hình bát úp nối nhau san sát, đẹp bậc nhất Việt Nam. Nơi đây không chỉ trở thành điểm thăm quan du lịch, check-in nghỉ dưỡng lý tưởng, khu du lịch sinh thái hàng đầu của tỉnh Phú Thọ mà còn là mảnh đất tạo ra những ấm chè ngon, đậm vị mang thương hiệu Chè an toàn Long Cốc.

Không đốt cháy giai đoạn trong phát triển thương hiệu trà Long Cốc, các hộ dân ở đây (đa phần là đồng bào người Mường) sau khi thống nhất đã tham gia các HTX sản xuất chè, cùng tham gia kí tên đăng ký bản quyền thương hiệu, để sản phẩm đảm bảo an toàn, đạt chất lượng theo tiêu chuẩn. Không những vậy, các thành viên HTX sản xuất chè an toàn Long Cốc đã tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật về cây chè trong, ngoài địa phương để sản xuất chè búp theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo nên vùng sản xuất an toàn và có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Nói về thành công bước đầu của thương hiệu chè Long Cốc, bà Phạm Thị Hạnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Long Cốc cho hay: “Với thị trường đa dạng, sản xuất chè ồ ạt ở nhiều nơi như hiện nay, việc tạo được thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường là điều hết sức quan trọng. HTX chúng tôi thay vì sản xuất ồ ạt lại chú trọng chất lượng - điều làm nên thương hiệu sản phẩm. Do đó, việc sớm sử dụng tem truy xuất nguồn gốc là yếu tố tiên quyết để bảo vệ thương hiệu sản phẩm của mình, qua đó chiếm trọn được lòng tin của khách hàng – những người đã và sẽ đến với Long Cốc”.

Sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, thông minh

Không chỉ đi theo mô hình của HTX Long Cốc, Sở NN&PTNT Phú Thọ đang hướng các HTX sản xuất nông nghiệp phải đảm bảo 3 tiêu chí: sạch, an toàn và thông minh. Bởi theo xu thế phát triển của thị trường, bên cạnh yêu cầu ngày càng cao về chất lượng hàng hóa, người tiêu dùng còn muốn biết nhiều hơn về quá trình sản xuất, đóng gói, vận chuyển đến bày bán trên kệ, đặc biệt là những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như thực phẩm vì vậy việc truy xuất nguồn gốc (với những yêu cầu sản phẩm sạch, an toàn) dần trở thành tiêu chuẩn bắt buộc vì những lợi ích thực tế mà nó mang lại.

Vậy, khi sản phẩm đã sạch và an toàn, làm sao để sản phẩm “thông minh” hơn. Thực tế, người mua hàng hiện nay chỉ cần quét QR code trên sản phẩm là có thể biết rõ lai lịch. Do đó, dán QR code, bảo vệ mã QR code để tránh bị làm giả làm nhái là điều tiên quyết để biến nông sản trở nên thông minh hơn trong mắt người tiêu dùng. Chính vì vậy, thời gian qua thói quen mua sắm sản phẩm của người tiêu dùng không chỉ là check (kiểm tra) giá cả, hạn sử dụng, thương hiệu uy tín mà lí lịch sản phẩm cũng là một tiêu chí được quan tâm hàng đầu.

Bác Đỗ Duy Lợi (Long Biên, Hà Nội) bị bệnh tiểu đường nhưng lại nghiện uống trà. Bác uống không nhiều nhưng phải là trà sạch, trà hữu cơ và phải hợp. Do vậy, từ khi uống trà Long Cốc sau 1 lần lên đây tham quan, bác đã luôn tin tưởng sản phẩm này. Tuy nhiên, mỗi lần vào siêu thị mua chè, bác đều phải kiểm tra QR code xem có đúng chè Long Cốc không? Nhờ tem truy xuất đã giúp bác cảm thấy yên tâm hơn khi sử dụng sản phẩm, nhất là các loại đồ uống nhạy cảm với người đa bệnh tật như bác.

Nói thêm về chiến lược bảo vệ thương hiệu nông sản của tỉnh, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Thọ cho biết: Theo Kế hoạch số 1492/KH-UBND ngày 13/4/2020 của UBND tỉnh về triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc; mã số mã vạch, ghi nhãn hàng hóa và công bố tiêu chuẩn chất lượng cho các sản phẩm nông lâm thủy sản, thực phẩm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 đã đề ra mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn.

Trong đó giai đoạn 2021 – 2025, phấn đấu có 70 - 80% số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX kinh doanh nông lâm thủy sản và thực phẩm trên địa bàn tỉnh được thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn kiến thức về hoạt động truy xuất nguồn gốc; mã số mã vạch; ghi nhãn hàng hóa và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. 100 - 150 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm nghiệp, thủy sản và thực phẩm được hỗ trợ triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc; mã số mã vạch; ghi nhãn hàng hóa và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Như vậy, dán tem truy xuất nguồn gốc đã tạo sự liên kết chặt chẽ trong từng khâu sản xuất, kiểm soát được chất lượng sản phẩm, là “chìa khóa” khởi tạo niềm tin của người tiêu dùng, hình thành thói quen tiêu dùng thực phẩm an toàn có địa chỉ tin cậy. Đây còn là giải pháp giúp nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người sản xuất theo hướng an toàn, minh bạch thông tin sản phẩm, đồng thời làm tăng giá trị cũng như sản lượng tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh Phú Thọ.

Nguyễn Thanh và nhóm PV, BTV