Chiều nay (22/5), phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ AIC tiếp tục với phần thẩm vấn.

Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga (cựu Phó TGĐ Công ty AIC) với cương vị Phó TGĐ phụ trách dự án, Trưởng ban 1 của Công ty AIC đã giúp sức tích cực cho bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Công ty AIC), người trực tiếp chỉ đạo thực hiện hành vi vi phạm quy định về đấu thầu tại Dự án xây dựng Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai nên giữ vai trò thứ 3.

HĐXX cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Nga mức án 12 năm tù vì tội Vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. 

Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Nga kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bị tòa án cấp sơ thẩm buộc phải bồi thường thiệt hại, bà Nga cũng kháng cáo đề nghị xem xét lại nội dung này.

Bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga. Ảnh: DT

Trả lời thẩm vấn tại tòa, bị cáo Nga trình bày: Khi CQĐT cho xem, bị cáo mới biết đến quy trình 70 bước. Quy trình này chưa được phổ biến, phê chuẩn và áp dụng ở Công ty AIC mà nó được áp dụng vì có những bước phù hợp với thực tiễn trong vụ án này.

Theo lời khai của bà Nga, suốt quá trình làm việc ở Công ty AIC, cựu Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành được coi là người quan trọng đối với công ty.

“Chị Nhàn rất quan trọng mối quan hệ này. Bị cáo đi cùng chị Nhàn ở các buổi gặp riêng với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai vì bị cáo phụ trách kinh doanh. Bị cáo chỉ đến gặp lãnh đạo tỉnh để trình bày công việc liên quan, sau đó sẽ được mời ra ngoài để chị Nhàn làm việc riêng. Việc trao đổi cụ thể như thế nào bị cáo không nắm được", bị cáo Nga khai.

Trả lời thẩm vấn của đại diện VKS, cựu Phó TGĐ Công ty AIC thừa nhận không muốn làm việc ở Công ty AIC vì cảm thấy không an toàn, cảm thấy có việc làm khuất tất của công ty này. Việc không an toàn liên quan đến nhiều việc khác ở Công ty AIC, không chỉ riêng dự án Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.

Bản án sơ thẩm buộc bị cáo Nga bồi thường thiệt hại 15 tỷ đồng. Về nội dung kháng cáo này, Phó TGĐ Công ty AIC cho rằng việc bị cáo phải chịu trách nhiệm dân sự 15 tỷ đồng là chưa thỏa đáng. 

Theo trình bày của bị cáo Nga, Công ty AIC đã xác nhận sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ về dân sự thì không nên quy trách nhiệm bồi thường dân sự cho bị cáo. “Nếu có mặt tại tòa, chị Nhàn cũng không bắt bị cáo phải chịu trách nhiệm dân sự trong vụ án này”, lời trình bày của bà Nga.

Có mặt tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Công ty AIC đề nghị xem xét lại giá trị thiệt hại của vụ án. Phía Công ty cho hay sẽ bồi thường thay cho các bị cáo bởi họ chỉ là người làm công ăn lương.

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: DT

Bản án sơ thẩm cho rằng, bị cáo Phan Huy Anh Vũ (cựu Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai) đã có hành vi vi phạm về đấu thầu, chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện để Công ty AIC trúng 16 gói thầu và sau đó nhận 14,8 tỷ đồng từ ông Trần Mạnh Hà (cựu Phó TGĐ Công ty AIC).

HĐXX cấp sơ thẩm tuyên phạt ông Vũ mức án 10 năm tù vì tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và 9 năm tù vì tội Nhận hối lộ.

Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Vũ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt ở cả hai tội. Bị cáo cho biết đã khắc phục hậu quả toàn bộ số tiền nhận hối lộ.

Theo lời khai của ông Vũ, ông quen biết bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn là do sự giới thiệu của cựu bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành. Thời điểm đó AIC là công ty độc quyền cung cấp nhiều thiết bị y tế của các hãng lớn. Khi nhận tiền cám ơn từ Công ty AIC, bị cáo không ý thức đó là tiền hối lộ vì khi gặp phía AIC, bị cáo không hứa hẹn gì.

Vẫn theo lời khai của ông Vũ, bản thân bị cáo không chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện cho Công ty AIC tham gia và trúng thầu. “Bị cáo chỉ nói đây là công ty lớn, đừng có khó khăn gì với công ty này và đặc biệt không được nhận bất cứ gì từ AIC”, bị cáo Vũ khai.

Bào chữa cho bị cáo Vũ, luật sư Giang Hồng Thanh cho hay, trước phiên tòa phúc thẩm, gia đình ông Vũ đã nộp thêm 500 triệu đồng để khắc phục hậu quả.