Hôm nay (22/5), TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm để xem xét đơn kháng cáo của người liên quan trong vụ AIC.

Các bị cáo tại toà. Ảnh: DT

HĐXX gồm 3 người, do thẩm phán Mai Anh Tài ngồi ghế chủ tọa phiên tòa. Đại diện VKSND Cấp cao tại Hà Nội tham gia phiên tòa gồm có kiểm sát viên cao cấp Phạm Văn Hòa và Đào Trọng Thuyết.

Có 15/36 bị cáo có đơn kháng cáo hoặc được luật sư và người thân kháng cáo thay. Trong đó, 4 anh, chị ruột của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch AIC) có đơn kháng cáo cho bị cáo, đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

HĐXX phiên toà phúc thẩm vụ AIC. Ảnh: DT

Luật sư của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cũng có kháng cáo đề nghị hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại.

Ngoài bà Nhàn, có 7 bị cáo khác được xác định đã bỏ trốn, bị tòa án cấp sơ thẩm xét xử vắng mặt. Luật sư của những người này cũng kháng cáo xin giảm nhẹ cho thân chủ của mình, hoặc đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại bản án sơ thẩm vì cho rằng chứng cứ không đầy đủ, quá trình điều tra có thiếu sót…

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn

Trong số 7 bị cáo nêu trên, ông Nguyễn Đăng Thuyết (Giám đốc Công ty Thành An Hà Nội) và Ngô Thế Vinh (Giám đốc Công ty Việt Tiên) trực tiếp gửi đơn kháng cáo từ Mỹ về. 

Bà Hoàng Thị Thúy Nga (cựu Phó TGĐ Công ty AIC) kháng cáo xin xem xét lại bản án. Bà Nga mong được tòa án cấp phúc thẩm đánh giá lại vai trò của mình và cho rằng bị cáo chỉ là người làm công ăn lương. Bị tòa án cấp sơ thẩm buộc phải bồi thường thiệt hại, bà Nga cũng kháng cáo đề nghị xem xét lại nội dung này.

Trong số các cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai bị truy tố trong vụ án này, bị cáo Phan Huy Anh Vũ (cựu Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Ông Trần Đình Thành (cựu Bí thư Đồng Nai), Đinh Quốc Thái (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) không kháng cáo. 

Là bên có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, Công ty Cổ phần Bất động sản AIC đã làm đơn kháng cáo về phần tài sản đã bị kê biên liên quan đến bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn theo hướng hủy bỏ lệnh kê biên của CQĐT với khu đất hơn 4.000 m2 tại ô đất ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Trước phiên tòa phúc thẩm, Công ty AIC cũng có đơn kháng cáo phần dân sự của bản án sơ thẩm, đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm đánh giá lại giá trị thiệt hại mà công ty phải bồi thường. Theo bản án sơ thẩm, Công ty AIC phải bồi thường 15 tỷ đồng.

Bản án sơ thẩm cho rằng, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã tiếp xúc với các lãnh đạo Đồng Nai xin giúp đỡ, cho Công ty AIC tham gia và trúng thầu tại Bệnh viện Đồng Nai dù biết không đủ năng lực tài chính để tham gia.

Bà Nhàn sau đó đã chỉ đạo nhân viên thông đồng với chủ đầu tư và các đơn vị lập hồ sơ thầu theo hướng giúp Công ty AIC trúng thầu, gây thiệt hại 152 tỷ đồng.

Quá trình làm việc tại Đồng Nai, bị cáo Nhàn và cấp dưới đã hối lộ cựu Bí thư Trần Đình Thành 14,5 tỷ đồng; Đinh Quốc Thái 14,5 tỷ đồng và Phan Huy Anh Vũ 14,8 tỷ đồng.