Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT), đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ TT&TT vừa tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, với sự tham dự của gần 800 cán bộ, giảng viên tại 2 điểm cầu Hà Nội và TP.HCM.

thu truong phan tam 1 1.jpg
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhận định PTIT đã thay đổi, chuyển mình mạnh mẽ trong năm 2023. 

Nhấn mạnh năm 2023 ghi nhận sự chuyển mình mạnh mẽ của học viện trong nhiều lĩnh vực hoạt động, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho rằng, kết quả nổi bật là đã tạo ra được một không khí mới, đầy hứng khởi trong toàn học viện. Và đây chính là nguyên nhân sâu xa để học viện đạt được rất nhiều kết quả đáng tự hào thời gian qua.

Những kết quả nổi bật cũng như một số tồn tại trong các mặt hoạt động, từ đào tạo bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, hợp tác doanh nghiệp, hợp tác quốc tế, chuyển đổi số cho đến công tác sinh viên xây dựng cơ sở vật chất, chăm lo đời sống cán bộ công nhân viên... đã được Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hoài Bắc điểm ra trong trao đổi tại hội nghị.

giam doc hoc vien dang hoa bac 1.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện thông tin về tình hình hoạt động năm 2023 của trường.

Theo báo cáo của học viện, năm nay nhà trường đã phát triển, tăng trưởng về chương trình đào tạo và quy mô đào tạo; đã mở nhiều chương trình đào tạo phục vụ chuyển đổi số quốc gia như kỹ thuật dữ liệu, Cử nhân CNTT định hướng ứng dụng kết hợp với doanh nghiệp, chuyên ngành Thiết kế vi mạch, chuyên ngành Robot và trí tuệ nhân tạo; khai giảng lớp Thạc sĩ Khoa học máy tính giảng dạy bằng tiếng Anh kết hợp với Viettel Global.

Thống kê cho thấy, quy mô tuyển sinh đại học chính quy của học viện năm 2023 tăng 15%, tuyển sinh hệ đào tạo từ xa gấp 5,8 lần so với năm ngoái; kiểm định thành công 4 chương trình đào tạo trình độ đại học. Cùng với đó, doanh thu và đời sống cán bộ, giảng viên cũng tăng 20%.

bo nhiem chuc danh giao su pho giao su 1.jpg
Lãnh đạo PTIT trao quyết định bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư cho 8 giảng viên của nhà trường.

Một dấu ấn tiêu biểu trong hành trình vừa qua của học viện là việc trường có tên trong Top 5 đại học đi đầu cả nước về xây dựng mô hình giáo dục đại học số. Khởi động xây dựng từ 3 năm trước theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ TT&TT, đến tháng 9/2023, đúng dịp kỷ niệm 70 năm thành lập thành lập Trường Bưu điện - Vô tuyến điện (tiền thân của PTIT), hệ thống đại học số PTIT đã được chính thức ra mắt, với nhiều phân hệ đang hỗ trợ chuyển đổi số các mặt hoạt động của trường.

Trong đó, ứng dụng  PTIT-Slink phục vụ hiệu quả các sinh viên trong quá trình học online. Thư viện số với hơn 8.000 danh mục tài liệu, bài giảng; hệ thống thư viện số có gần 104.000 lượt xem trực tuyến và hơn 34.000 lượt tải tài liệu; hệ thống thực hành ảo D- Lab đã được triển khai cho các môn học lập trình ngành CNTT và an toàn thông tin; hoàn thành triển khai nền tảng quản lý văn bằng, chứng chỉ dựa trên công nghệ Blockchain và nền tảng quản lý nghiên cứu khoa học số...

Song song với việc triển khai rộng rãi một số module mới như quản lý khoa học, thi trắc nghiệm của nền tảng đại học số, học viện đã chuyển giao một số phân hệ của nền tảng số này cho các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng. Đến nay, có hơn 20 trường đại học, cao đẳng sử dụng một số phân hệ của nền tảng đại học số PTIT.

w dai hoc so ptit 1 1 1 243.jpg
Nền tảng đại học số sẽ tiếp tục được PTIT tập trung hoàn thiện trong năm 2024. (Ảnh: H.Bằng)

Thông tin về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, Giáo sư, Tiến sĩ Từ Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng học viện cho biết, năm tới học viện tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng, bao gồm cả tăng trưởng quy mô, cải thiện chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, tạo thay đổi lớn về cơ sở vật chất và hướng tới những thay đổi mạnh mẽ về tổ chức, cơ chế và quản trị.

Điểm quan trọng cũng là nét mới trong năm 2024 là học viện sẽ tham gia kiểm định chương trình đào tạo quốc tế và xếp hạng giáo dục quốc tế. “Học viện sẽ tiếp tục coi chuyển đổi số nhà trường vừa là mục tiêu vừa là giải pháp thúc đẩy các hoạt động, công tác khác”, Tiến sĩ Từ Minh Phương chia sẻ.

chu tich hoc vien tu minh phuong 1.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Từ Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng học viện trao đổi tại hội nghị.

Học viện đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm, những chỉ tiêu cần đạt cùng những giải pháp sẽ được tập thể cán bộ, công nhân viên, giảng viên nhà trường tập trung triển khai trong năm 2024. Theo đó, học viện dự định hoàn thành kiểm định 4 chương trình đào tạo an toàn thông tin, công nghệ đa phương tiện, truyền thông đa phương tiện, thương mại điện tử; và xây dựng hồ sơ kiểm định từ 1 - 2 chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế.

Cũng trong năm tới, nhà trường sẽ mở tiếp từ 2 - 3 chương trình/ngành đào tạo mới nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội như quan hệ công chúng, thiết kế và xây dựng công nghệ game, thiết kế chip bán dẫn.

Sau khi hoàn thiện sản phẩm đại học số, học viện dự kiến sẽ cung cấp từ 2 - 3 phân hệ nền tảng đại học số dưới dạng dịch vụ SaaS để triển khai rộng rãi cho đối tác. Về nhiệm vụ này, Tiến sĩ Từ Minh Phương nhấn mạnh, chuyển giao nền tảng đại học số cho các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng khác là một việc quan trọng.

Theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ TT&TT, mục tiêu đặt ra là đến năm 2025 nền tảng đại học số của học viện cần chiếm được khoảng 30% thị phần.

Phát biểu tại hội nghị, cùng với việc nêu gợi ý học viện nên chọn chủ đề năm 2024 là “đột phá về chất lượng và lấy chất lượng làm cái gốc, cái nền để phát triển”, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cũng đề xuất các việc nhà trường cần chú tâm để tạo đột phá về chất lượng. Trong đó có việc cần lấy nhu cầu xã hội làm thước đo chuẩn đầu ra để giáo dục đại học gắn kết chặt chẽ hơn với nhu cầu xã hội.

 “Để nâng cao chất lượng đào tạo, rất cần có quản trị tốt, quản trị những thay đổi liên quan đến việc tổ chức học, đến việc thay đổi, đổi mới phương thức dạy và học của thầy và trò, với mục tiêu là khơi thông nguồn lực và khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo của cả người dạy và người học”, Thứ trưởng nhấn mạnh.