Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nhiều lần nhấn mạnh đại học số chính là lời giải cho nhân lực số Việt Nam. Cụ thể, trên diễn đàn Quốc hội hồi tháng 11 năm ngoái, Bộ trưởng phân tích, nhân lực làm việc trong lĩnh vực CNTT hiện xấp xỉ 1,2 triệu, song tính từ cao đẳng trở lên chỉ khoảng 550.000. Các nước châu Âu đặt mục tiêu đến năm 2030 có 5% dân số làm CNTT. Nếu Việt Nam đặt mục tiêu 2-3%, sẽ cần khoảng 2 đến 3 triệu nhân sự. Trong khi đó, mỗi năm các trường đại học và cao đẳng đào tạo khoảng 60.000 - 70.000 cử nhân. Vì vậy, đại học số chính là giải pháp đột phá.
Gần đây, trong phát biểu tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà với hai đại học quốc gia ở TP.HCM vào ngày 6/9, người đứng đầu ngành TT&TT nêu rõ, chúng ta cần nhiều kỹ sư công nghệ số mức ứng dụng để thúc đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đại học số và đào tạo lại là lời giải cho nhu cầu rất lớn về nhân lực số hiện nay.
Với riêng Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT), từ tháng 9/2020, khi trò chuyện với các cán bộ, giảng viên, sinh viên của nhà trường, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã chỉ ra rằng: “Chuyển đổi số đại học thì việc đầu tiên là đưa toàn bộ Học viện thành một xã hội số thu nhỏ. Toàn bộ hoạt động của Học viện, của giáo viên, sinh viên sẽ chuyển lên môi trường số”. Yêu cầu Học viện phải đi đầu trong xây dựng mô hình Đại học số cũng đã được đặt ra.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ TT&TT, trong 3 năm qua, các thành phần trong hệ sinh thái Đại học số đã từng bước được Học viện triển khai xây dựng. Ngày 17/9 vừa qua, trong Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Trường Bưu điện - Vô tuyến điện, hệ thống Đại học số PTIT đã được Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông chính thức ra mắt.
Nền tảng Đại học số PTIT hiện gồm nhiều hệ thống thành phần như: Tuyển sinh, nhập học số PTIT-Admission; Kênh kết nối sinh viên, giảng viên, học viên PTIT-Slink; dịch vụ công trực tuyến mức 4 PTIT-1Gate; cổng thanh toán dịch vụ PTIT-Pay; thanh toán giờ giảng PTIT-TCount; quản lý đào tạo số PTIT-LMS+Mooc; thi trực tuyến PTIT-Proctor; nền tảng thực hành ảo PTIT-Dlab; đào tạo bồi dưỡng kỹ năng số PTIT-Training; ứng dụng Blockchain và chữ ký số trong quản lý và xác thực văn bằng chứng chỉ PTIT-Blockchain; quản lý khoa học số PTIT-SM.
Trao đổi với các tân sinh viên trong Lễ khai giảng năm học mới 2023 - 2023 vừa diễn ra ngày 18/9, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hoài Bắc, Giám đốc PTIT cho biết, Học viện đã ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số trong giáo dục đại học với dịch vụ trực tuyến mức độ 4, kết nối nhà trường – sinh viên – giảng viên. Các tân sinh viên cũng đã được trải nghiệm ứng dụng PTIT ngay từ khi đăng ký tuyển sinh.
Nền tảng đăng ký tuyển sinh số kèm đối soát lệ phí của Học viện đã được Bộ GD&ĐT sử dụng trong kỳ thi tuyển sinh quốc gia năm 2022, áp dụng cho 290 trường đại học từ Đà Nẵng trở vào phía Nam. Hệ thống thực hành ảo Dlab đã có 5 triệu lượt nộp bài. Học viện cũng đã tiên phong xây dựng học liệu số các môn học Chính trị với các chuyên gia hàng đầu và áp dụng triệt để vào năm 2023.
Bên cạnh đó, các hệ thống quản lý khoa học số và sổ tay điện tử tại Học viện đang được triển khai thí điểm. Học viện đã áp dụng thử nghiệm chatbot trong công tác tuyển sinh và hướng tới mỗi sinh viên có một trợ lý ảo.
Đáng chú ý, hơn 50 trường đại học, trong đó có nhiều trường đại học lớn đã đến tham quan mô hình Đại học số tại Học viện. Đến nay, nền tảng Đại học số PTIT đã được ứng dụng tại hơn 20 trường đại học, trong đó có Đại học Ngoại thương, Đại học Ngoại giao, Đại học Hà Nội, Học viện Chính sách phát triển, Học viện Phụ nữ, Cao đẳng Y tế Thái Bình, Cao đẳng Y Hà Nội, Đại học CMC, Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý TT&TT...
Về chặng đường sắp tới, Tiến sĩ Đặng Hoài Bắc nhấn mạnh đến sứ mệnh “đào tạo các sinh viên xuất sắc, những nhân tố đầu đàn dẫn dắt và thực hiện công cuộc Chuyển đổi số quốc gia, góp phần đưa Việt Nam trở thành đất nước hùng cường”.
“Các em sinh viên sẽ được tiếp cận những bài giảng số xuất sắc với các chuyên gia, giảng viên đầu ngành trong và ngoài nước, cùng một hệ sinh thái kết nối nhà trường sinh viên doanh nghiệp xã hội trên môi trường số. Mỗi sinh viên sẽ có một trợ lý ảo trợ giúp, để các em có những trải nghiệm tốt nhất hoàn thiện bản thân bằng những kỹ năng cụ thể và kiến thức tổng thể, hội nhập với nền giáo dục chia sẻ toàn cầu tại mái trường PTIT”, lãnh đạo Học viện cam kết.