‘Thiết kế và phát triển game’ trình độ đại học là chuyên ngành mới được Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông – PTIT, cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ TT&TT mở mới từ năm 2024, với mục tiêu cung ứng nguồn nhân lực có khả năng làm chủ công nghệ thiết kế và phát triển game ở trình độ cao, đáp ứng nhu cầu của ngành game Việt Nam cũng như khu vực và thế giới.

 Chương trình đào tạo ‘Thiết kế và Phát triển game’ thuộc ngành Công nghệ đa phương tiện của PTIT được xây dựng theo chuẩn quốc tế CDIO, dựa trên khảo sát kỹ lưỡng các yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, đồng thời tham khảo chương trình đào tạo từ các trường đại học hàng đầu đào tạo về game trên thế giới như Đại học New York, Đại học Nam California.

W-thiet ke game PTIT 1 1.jpg
 ‘Thiết kế và phát triển game’ là 1 trong 3 chương trình đào tạo sẽ được PTIT mở mới và tuyển sinh từ năm 2024. Ảnh minh họa: CDIT

Với chương trình đào tạo mới này, các sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức chuyên sâu về thiết kế, phát triển game cùng các kiến thức liên ngành như toán học, văn hoá, tâm lý, kinh tế, pháp luật và marketing.

Tổng khối lượng kiến thức của chương trình là 135 tín chỉ, không bao gồm kiến thức giáo dục quốc phòng, giáo dục thể chất và kỹ năng mềm. Bên cạnh 7 học kỳ tích lũy kiến thức tại Học viện, sinh viên sẽ có 1 kỳ thực tập chuyên sâu, thực tập thực tế tại cơ sở. Cuối khóa, sinh viên làm đồ án, khóa luận tốt nghiệp hoặc hoàn thành các học phần thay thế tốt nghiệp.

Những sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành ‘Thiết kế và phát triển game’ của PTIT có thể xây dựng các game không chỉ hấp dẫn người chơi mục tiêu, có khả năng tạo ra doanh thu mà còn đảm bảo tính lành mạnh và đặc biệt là tuân thủ pháp luật. Đặc biệt, người học còn có thể sáng tạo các ứng dụng của game trong các lĩnh vực khác như đào tạo, thương mại, truyền thông... góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội quốc gia cũng như quảng bá văn hoá Việt Nam ra cộng đồng quốc tế.

Trong thông tin mới chia sẻ với VietNamNet, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho biết, trong năm đầu tiên tuyển sinh chương trình đào tạo ‘Thiết kế và Phát triển game’, nhà trường dự kiến tuyển 200 sinh viên, học tại cơ sở đào tạo Hà Nội.

Đối tượng tuyển sinh là những người đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương, tham dự và trúng tuyển (đạt các yêu cầu đầu vào) trong kỳ tuyển sinh đại học hệ chính quy với 1 trong các tổ hợp xét tuyển: Toán, Lý, Hóa (A00 - khối A) hoặc Toán, Lý, Anh (A01 - khối A1) hoặc Toán, Văn, Anh (D01 - khối D1). Nhà trường dự kiến sẽ tuyển sinh chương trình đào tạo mới này theo phương thức xét tuyển từ kết quả thi THPT năm 2024.

Theo Tiến sĩ Cao Minh Thắng, Phó viện trưởng Viện Công nghệ TT&TT – CDIT thuộc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, người chủ trì xây dựng chương trình đào tạo ‘Thiết kế và phát triển game’ cho biết, đây là chương trình đào tạo chuyên sâu về game, sử dụng công nghệ đa phương tiện và CNTT làm kiến thức nền tảng.

“Để dễ hình dung, người học công nghệ đa phương tiện, CNTT ra có thể làm được nhiều thứ như sản xuất video, hoạt hình, thiết kế đồ hoạ, làm Web, ứng dụng di động và cả game. Tuy nhiên, để có thể làm game chuyên nghiệp ở trình độ quốc tế thì người học cần phải học tập và rèn luyện theo một chương trình có tính chuyên sâu hơn đó là thiết kế và phát triển game”, Tiến sĩ Cao Minh Thắng phân tích.

Lý giải về thắc mắc “Học thiết kế và phát triển game có thể làm gì và làm ở đâu”, đại diện CDIT thông tin: Hai vị trí việc làm của sinh viên tốt nghiệp chương trình này là chuyên gia thiết kế kịch bản game và chuyên gia phát triển game tại các công ty, studio thiết kế, phát triển và phân phối game trong và ngoài nước như VTC Game, VNG, GameLoft…

Các sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành này còn có thể tham gia các vị trí công việc khác như: Chuyên viên kiểm thử game; Chuyên viên triển khai, vận hành, bảo trì các hệ thống game; Chuyên gia Marketing game. Nếu không làm game, sinh viên có thể làm chuyên viên thiết kế, phát triển, kiểm thử phần mềm.

Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp, sinh viên cũng có thể tự tạo lập doanh nghiệp, trở thành cán bộ nghiên cứu, cán bộ giảng dạy về thiết kế và phát triển game tại các Viện, Trung tâm nghiên cứu và các cơ sở đào tạo hoặc có thể học tiếp lên trình độ sau đại học ở trong và ngoài nước.

Đáng chú ý, về mức lương, thu nhập, đại diện CDIT cho hay, ở Việt Nam, lương khởi điểm cho lập trình game, thiết kế game có thể dao động từ 10 - 15 triệu đồng/tháng, đối với nhân sự có kinh nghiệm sẽ có mức thu nhập từ 20 - 35 triệu đồng/tháng. Bên cạnh mức lương chính thức, lập trình viên, nhà thiết kế game có thể được nhận phụ cấp, hoa hồng cho mỗi dự án thành công. Nhìn chung, tổng thu nhập phụ thuộc vào hiệu suất công việc.

Theo thống kê mới nhất từ trang Salary Expert, mức lương trung bình cho vị trí vị trí Game Developer là khoảng 187 triệu đồng/năm. Mức lương trung bình cho vị trí Game Designer khoảng 430 triệu đồng/năm. Riêng với các Game Developer thành thạo Unity, mức lương thường dao động từ 1.000 đến 3.000 USD. Ngoài ra, game là lĩnh vực đặc thù, người làm game hoàn toàn có thể tự khởi nghiệp với game riêng của mình, mức thu nhập tùy thuộc vào sự thành công của game.

Trong khuôn khổ sự kiện Vietnam Gameverse 2024 diễn ra tại TP.HCM trong 2 ngày 11, 12/5, cùng với việc giới thiệu về chương trình ‘Thiết kế và phát triển game’ trình độ đại học, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông dự kiến sẽ ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác với 5 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực game gồm VTC Games, Hiker Games, TopeBox, GameGeek và Negaxy Group, với mục tiêu mở ra hướng đi mới trong chiến lược phát triển của cả PTIT và các doanh nghiệp đối tác. Qua hợp tác với các doanh nghiệp, PTIT sẽ mang lại cho các sinh viên chương trình đào tạo thiết kế và phát triển game cơ hội học tập, thực chiến tại các đơn vị, doanh nghiệp có tiếng trong ngành.