Cục Kiểm dịch động thực vật (APHIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ vừa gửi thư tới Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) thông tin về việc Mỹ mở cửa thị trường với quả dừa sọ Việt Nam.
“APHIS xin trân trọng chia sẻ thông tin mới nhất liên quan đến tiếp cận thị trường đối với quả dừa sọ xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ. APHIS hiểu rằng đây là một vấn đề quan trọng đối với các nhà sản xuất Việt Nam và chúng tôi đã ưu tiên thực hiện theo yêu cầu của phía bạn”, APHIS thông báo.
Cục Kiểm dịch động thực vật cho biết, cơ quan này đã tiến hành song song việc lên kế hoạch cho những bước tiếp theo trong tiến trình tiếp cận thị trường và công tác phân tích nội bộ để đánh giá mặt hàng này.
Kết quả cho thấy, quả dừa sọ Việt Nam đáp ứng yêu cầu của phía Mỹ về sản phẩm chế biến và có rủi ro lây lan dịch hại thực vật không đáng kể.
Trước đó 1 ngày, APHIS đã hoàn tất việc cập nhật cơ sở dữ liệu trực tuyến yêu cầu nhập khẩu hàng hóa nông nghiệp để phê duyệt việc nhập khẩu dừa non Việt Nam, đã tách ít nhất 75% phần xơ dừa và loại bỏ hoàn toàn lớp vỏ xanh bên ngoài.
Theo Cục Kiểm dịch động thực vật Mỹ, các nhà sản xuất Việt Nam có thể bắt đầu xuất khẩu dừa sọ sang Mỹ ngay lập tức.
Đáng chú ý, yêu cầu kiểm dịch thực vật duy nhất đối với các lô hàng sẽ chỉ diễn ra tại các cảng nhập cảnh của Mỹ. Hiện, APHIS đã thông báo nội dung cập nhật tới các Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ để tránh bất kỳ sự chậm trễ nào của lô hàng tại các cảng nhập của quốc gia này.
Việt Nam có khoảng 200.000ha đất trồng dừa, sản lượng khoảng 2 triệu tấn. Vùng trồng tập trung chủ yếu tại các tỉnh Duyên hải miền Trung và ĐBSCL. Việt Nam cũng là quốc gia đứng thứ 7 thế giới về sản xuất dừa.
Trong tháng 8 này, phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng sang kiểm tra thực địa các vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi ở nước ta có nhu cầu xuất khẩu chính ngạch để làm căn cứ cho việc ký kết nghị định thư giữa hai quốc gia.
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này ước khoảng 900 triệu USD. Việc mở cửa thêm thị trường Mỹ và sắp tới là thị trường Trung Quốc giúp quả dừa sớm trở thành trái cây xuất khẩu tỷ USD tiếp theo của Việt Nam.