82% giáo viên của khảo sát cho biết họ không thể quản lý được khối lượng công việc của mình trong khi 97% tin rằng trường học nên là nơi khích lệ tình yêu dành cho việc học cũng nhiều như thành tích mỗi bài thi.


{keywords}

Một người tham gia khảo sát chia sẻ: “Không có gì tuyệt vời hơn cảm giác được truyền tình yêu môn học cho học trò”. Ảnh: Alamy

Theo khảo sát của Guardian Teacher Network, giáo viên luôn phải làm việc quá tải, bị đánh giá thấp và có quá nhiều can thiệp chính trị vào giáo dục.

Hơn một nửa số giáo viên tham gia cuộc khảo sát cho biết họ thấy không được tin tưởng tại nơi làm việc. Chỉ có 4 trong 10 người hài lòng với công việc giảng dạy.

Hơn 5.000 giáo viên, trong đó có gần 1500 giáo viên từ các học viện và các trường tự lập đã tham gia trả lời khảo sát về mức độ hài lòng của họ với nghề và nguyên nhân của việc hài lòng và không hài lòng.

Số lượng giáo viên cho biết họ không thể kiểm soát nổi khối lượng công việc lên tới 82% và gần như tất cả đều phản ánh rằng trong 5 năm trở lại đây, khối lượng công việc của họ đã tăng lên.

Nhiều người cho rằng nguyên nhân là do tổ chức Ofsted (tổ chức điều tra và quản lý các dịch vụ chăm lo cho trẻ em và người trẻ, và giám sát các đơn vị tổ chức giáo dục và phát triển kỹ năng cho học sinh, sinh viên)và chính phủ đã đặt quá nhiều áp lực lên trường học.

Một giáo viên chia sẻ: “Tôi hoàn toàn hài lòng với việc làm việc chăm chỉ nhưng mức độ giám sát hiện tại trong trường khiến tôi không thể đưa ra những nhận xét chuyên nghiệp về cách tốt nhất để giải quyết vấn đề. Việc này cực kỳ căng thẳng. Tôi thấy vui nhất những lúc có thể kiểm soát một chút lượng công việc của mình”.

Những người khác phàn nàn về sự can thiệp quá mức của chính trị vào giáo dục và cho biết tổ chức Ofsted đã quá nghiêm khắc. Một giáo viên cho biết: “Với cách đánh giá hiện tại của Ofsted, trường học được lập ra để đòi tiền”.

Một trong số năm giáo viên được hỏi cho biết họ nghĩ họ đã sai lầm trong việc lựa chọn nghề nghiệp còn một giáo viên đơn giản nói rằng: “Tôi càng dạy bao lâu thì càng muốn nghỉ việc bấy nhiêu”.

Thống kê cũng cho thấy giáo viên nhiều kinh nghiệm hơn cũng cảm thấy họ phải làm việc quá nhiều. Tỷ lệ giáo viên lớn tuổi hơn phàn nàn về khối lượng công việc quá tải ngang bằng với những giáo viên trẻ tuổi.

Tình trạng này diễn ra trong toàn ngành, ngoại trừ các trường tư thục bởi 45% giáo viên cho biết khối lượng công việc của họ có thể kiểm soát được. Cuộc khảo sát cho thấy giáo viên trong các trường tư có thể được khích lệ bằng thu nhập hơn những người khác; gần một nửa cho biết họ sẽ xem xét việc chuyển trường để có được mức lương cao hơn, trong khi đó chỉ có dưới một phần ba giáo viên ở các trường khác có ý định này.

Các học viện và trường tự lập

Sự can thiệp của chính phủ vào các trường tự lập và các học viện đã trở thành một đề tài chính trong các cuộc tranh luận chính trị. Tuy nhiên, giáo viên trong trường không thấy được hiệu quả của những can thiệp này. Chỉ có 9% giáo viên trong các học viện cho rằng trường học đã được cải thiện nhờ có những chuyển đổi.

Cuộc khảo sát cho thấy giáo viên trong các học viện cũng có nhiều khả năng cảm thấy họ bị đánh giá thấp và không được tin cậy trong công việc hơn. Hơn một nửa số giáo viên học viện cho biết họ thấy không được cấp trên đánh giá cao - nhiều hơn gần 10 phần trăm so với trường công lập. Không chỉ vậy, tỷ lệ giáo viên học viện cảm thấy không được tin tưởng cũng cao hơn 8%.

Tính trung bình, người trả lời khảo sát đánh giá hiệu quả quản lý của nhà trường ở mức 6/10 với 45% cho biết hiệu trưởng trường họ chưa làm việc hiệu quả. Lòng tin đối với các cán bộ quản lý cấp cao cũng là một vấn đề trong các học viện, trường tự lập cũng như trường công lập; hơn 1/3 giáo viên đánh giá các cán bộ quản lý dưới mức 5/10 (nhiều hơn năm 5% so với các trường công lập).

Lý giải cho mối quan tâm của họ, một giáo viên học viện cho biết: “Lãnh đạo là tốt vì nó giúp đạt được các mục tiêu của nhà trường. Nhưng mặt khác, điều này hoàn toàn khủng khiếp khi yêu cầu giáo viên bỏ ra nhiều giờ chỉ để bám lấy thành tích và hối thúc sinh viên”.

Một giáo viên khác cũng phàn nàn: “Việc học bị giới hạn thành thành tích và chỉ tiêu. Các trường học chìm ngập trong đống tài liệu nhưng không nhận được bất cứ hỗ trợ nào để phân tích nó bởi vai trò của chính quyền địa phương đã bị làm giảm và thay thế bằng các quỹ quản thác học viện”.

Mặc dù có nhiều ý kiến ủng hộ các học viện và trường tự lập cần có nhiều quyền tự chủ và độc lập trong giáo dục hơn nhưng giáo viên dường như chỉ phàn nàn về việc bị ràng buộc bởi các thủ tục giấy tờ, thành tích thi cử và chương trình giảng dạy.

Một giáo viên chia sẻ: “Phải dành quá nhiều thời gian giải quyết các thủ tục giấy tờ khiến việc tương tác với học sinh sinh viên bị đẩy xuống cuối”.

Tuy nhiên đây cũng không hẳn là tin tức tiêu cực đối với các học viện. Một giáo viên cho biết: “Trường chúng tôi mới đây đã trở thành một học viện và nhờ đó đã ghi nhận được một số thay đổi đáng kể trong cách lãnh đạo. Cấu trúc mới có vẻ có hiệu quả hơn, nhưng đây mới chỉ là những ngày đầu”.

Mặc dù phải chịu nhiều áp lực và khối lượng công việc nặng nhưng giáo viên vẫn quyết tâm theo đuổi đam mê về tầm quan trọng của giáo dục. Hơn 97% giáo viên cho biết họ tin rằng trường học nên là nơi khích lệ tình yêu dành cho việc học cũng nhiều như kết quả mỗi bài thi.

Và thay vì chạy trốn khỏi trách nhiệm của họ dưới những áp lực, 50% giáo viên nói rằng họ chỉ đơn giản là muốn có thêm nhiều thời gian hơn để chuẩn bị cho bài học. Một giáo viên giải thích: “Không có gì tuyệt vời hơn cảm giác được truyền tình yêu môn học cho học trò”.

  • Quách Yến (Theo The Guardian)