Đây là nội dung Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh khi đến thăm và làm việc với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) về triển khai chương trình chuyển đổi số tại bệnh viện, sáng 18/7.

"Để làm được điều đó, cần giải quyết ba vấn đề lớn: Thứ nhất về cơ sở hạ tầng; thứ hai về xây dựng và thiết kế nền tảng chung (tất cả các khoa trong Bệnh viện đều sử dụng 1 phần mềm quản lý); thứ ba về dữ liệu và quản lý dữ liệu, đây là phần khó và quan trọng nhất để đảm bảo an toàn thông tin và khai thác dữ liệu hiệu quả", Thứ trưởng nhấn mạnh. 

PGS.TS Lê Hữu Song, Phụ trách Giám đốc Bệnh viện 108, cho biết mỗi ngày, cơ sở y tế này tiếp nhận hơn 5.000 lượt khám bệnh, hơn 1.600 người bệnh nội trú. Chuyển đổi số vì thế luôn được xác định là nhiệm vụ cần đặc biệt chú trọng.

PGS.TS Lê Hữu Song, Phụ trách Giám đốc Bệnh viện 108, cho biết hiện đã xây dựng sơ bộ mô hình bệnh án điện tử cho nhóm bệnh nội và ngoại khoa. Ảnh: BVCC

"Bệnh viện bắt đầu tiến hành các bước chuyển đổi số từ 2 năm trước, trong bối cảnh dịch Covid-19. Khi đó, để đảm bảo kiểm soát nhiễm khuẩn tốt, cán bộ nhân viên bệnh viện đã tìm ra phương án kết nối giữa bệnh án và nhân viên y tế làm việc trong khu cách ly, từ đó giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh", Phó Giáo sư Song chia sẻ.

Hiện tại, bệnh viện đã xây dựng sơ bộ mô hình bệnh án điện tử cho nhóm bệnh nội khoa và ngoại khoa dựa trên các quy trình chuyên môn đang thực hiện.

Đánh giá Bệnh viện 108 có những điều kiện rất thuận lợi cho công tác triển khai chuyển đổi số, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng khẳng định sẽ đồng hành, hỗ trợ, tháo gỡ những vướng mắc để nhanh chóng đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số trong bệnh viện.

Tháng 12/2018, Bộ Y tế ban hành Thông tư 46 đưa ra lộ trình đến hết năm 2023, các cơ sở khám chữa bệnh hạng 1 trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.

Việt Nam hiện có khoảng 1.300 bệnh viện, trong đó khoảng 135 bệnh viện hạng 1 trở lên ở cả công lập (tuyến trung ương, địa phương) và tư nhân. Tuy nhiên, theo số liệu từ Hội Tin học y tế Việt Nam cuối năm 2022, trong 44 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử, bỏ bệnh án giấy, chỉ có vài bệnh viện hạng 1, nhiều bệnh viện nhỏ, bệnh viện tư nhân. 

Theo định nghĩa của Bộ Y tế, chuyển đổi số y tế là ứng dụng công nghệ thông tin một cách tổng thể và toàn diện, trong đó đặc biệt chú trọng tới công nghệ số hiện đại dẫn tới sự thay đổi tích cực toàn bộ hoạt động của y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe.