Đặt vụ việc những người nông dân nghèo khó ở Can Lộc bị tận thu, bên cạnh vụ việc những quan chức mới đây ngã ngựa vì tham nhũng, có khối tài sản khổng lồ, vô tình như một phép đối chứng chua xót về sự giàu nghèo sâu sắc
Phân hóa giàu nghèo là hiện tượng mang tính quy luật tự nhiên của bất cứ quốc gia nào, không chỉ có ở Việt Nam. Nhưng góp phần vào cái sự phân hóa giàu nghèo sâu sắc đến độ báo chí, như báo Nông nghiệp VN mới đây, phải làm một vệt hàng chục bài điều tra S.O.S do “loạn các khoản thu bất hợp pháp” của huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), khiến người nông dân của 23 xã, thị trấn rơi vào cảnh “sức tàn lực kiệt”, thì đó không thể coi là quy luật tự nhiên, mà phải coi là một điều bất thường, trái luật.
Ảnh minh họa |
Xã thu, thôn thu, HTX cũng thu…
Phải khẳng định một điều, do đặc điểm lao động thủ công là cơ bản, mà giá trị thành phẩm lao động của người nông dân từ xưa đến nay, từ chế độ phong kiến đến thời hiện đại vẫn luôn thấp nhất trong sản phẩm giá trị hàng hóa. Và thân phận người nông dân vẫn chịu cảnh thua thiệt nhất so với các tầng lớp khác.
Quan thì xa, bản nha thì gần, đã thế, họ lại hạn chế về thông tin, hiểu biết. Và liệu đây có phải là cái cớ cho những việc làm trái luật nảy nở? Hay là sự tha hóa, làm liều, làm ẩu bất chấp pháp luật của các quan chức cấp xã ở Can Lộc đã khiến sắc màu của tầng lớp “cường hào mới”, khái niệm báo chí lâu nay ám chỉ, thêm đậm?
Không trái luật sao được, khi cán bộ ở cả 23 xã của huyện Can Lộc hàng chục năm nay đã lên phương án thu các loại phí ngoài quy định. Riêng năm 2014, tổng số tiền thu lên đến 23.867.662.000 đồng. Mức huy động một xã từ 350 triệu đến 1,7 tỷ đồng. Thú thật, người viết đã phải dụi mắt, đọc lại lần hai con số này vì tưởng mình đọc nhầm- gần 24 tỷ đồng.
Không chỉ người trong cuộc- nông dân- khiếp đảm, mà người ngoài cuộc- bạn đọc cũng khiếp đảm. Chưa kể “các khoản thu do chính các thôn, xóm, HTX đứng ra vận động nhân dân đóng góp để xây dựng đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa…” (Nông nghiệp VN, ngày 09/7)
Đúng là cảnh trăm dâu đổ đầu… nông dân.
Người viết không thể liệt kê các khoản thu vì nó nhiều quá, và dài dòng lắt nhắt quá, chỉ biết trên thực tế, các xã còn dựa vào 05 loại quỹ được thu theo quy định, gồm: An ninh quốc phòng; Khuyến học; Bảo trợ trẻ em; Đền ơn đáp nghĩa; Phòng chống thiên tai, và … “biến tướng” các điều khoản này để tận thu (hạn chế đối tượng được giảm, mở rộng đối tượng phải thu). Có những quỹ mà ngay các quan chức thanh tra sở tài chính tỉnh cũng không thể hiểu về thuật ngữ, như “quỹ giao thông thủy lợi phục vụ sản xuất". Trong khi, đây lại là loại quỹ có mức thu lớn nhất, gấp 14 – 15 lần so với tổng số tiền của 05 loại quỹ được phép vận động thu.
Nghiêm trọng hơn cả, sự loạn các khoản thu bất hợp pháp đã diễn ra 10 năm nay. Như ở xã Thường Nga người dân hoàn toàn không được thụ hưởng chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp của nhà nước.
Không hiểu sao người viết bài cứ bị ám ảnh mãi những giọt nước mắt cay đắng, khổ đau của người phụ nữ vì gánh nặng các khoản phí kỳ lạ khi kể chuyện với p/v.
Bỗng ngẩn ngơ tự hỏi: Những khoản phí trời ơi đất hỡi đó, huyện Can Lộc có biết không?
Nếu không biết, vì sao các vị quan liêu, xa rời cơ sở và người dân đến vậy? Nếu biết, vì sao các vị nỡ… ngoảnh mặt làm ngơ?
Và có bao nhiêu xã, bao nhiêu làng quê loạn thu phí kiểu Can Lộc với các mức độ khác nhau, mà chưa... bị lộ?
Việc loạn thu của 23 xã huyện Can Lộc cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng, nhưng một trong những nguyên nhân của loạn thu lại mang yếu tố bi hài và bất ngờ nhất. Đó là để nuôi bộ máy quản lý cấp xã cũng mắc bệnh “loạn… cán bộ”, do số này không được hưởng lương nhà nước.
Giải trình các khoản thu của UBND huyện Can Lộc. Ảnh: NTNN |
Quỹ nuôi cán bộ này có nhiều cái tên rất… phúc lợi- “quỹ hành chính phúc lợi”, “quỹ trả công cán bộ không chuyên trách”. Mà số cán bộ loại này cũng rất đông, ăn vào cái khoản quỹ “chuyên dùng để phục vụ các hoạt động của địa phương”. Mức huy động quỹ này của một xã từ 350.000.000 đồng đến 1,7 tỷ đồng. Một phần quỹ được trích để chi trả cho bộ máy “loạn… cán bộ”.
Cũng theo báo NNVN, ngày 10/7, bình quân mỗi thôn ở xã Thanh Lộc có khoảng 15 người hoạt động không chuyên trách. Xã có 10 thôn, ít nhất 150 người không được ngân sách trả lương. Đó là chưa kể hàng chục chức danh cấp phó ở xã. Tất cả họ đều sống và làm việc bằng những hạt thóc của dân. Huyện Can Lộc có 23 xã, thử hỏi con số cán bộ ăn “phúc lợi” là bao nhiêu?
Hóa ra, hạt thóc bé xíu phải gánh quá nhiều “sứ mệnh” lớn lao. Xin tạm liệt kê: Hỗ trợ ban công an 12.000.000 đồng; hỗ trợ vị phụ trách bưu điện xã 2.400.000 đồng; hỗ trợ thủ quỹ xã 4.800.000 đồng; chi trả cho các vị thường vụ hội xã, Phó CT Hội người cao tuổi, 3.600.000 đồng; chi trả cho Thanh tra nhân dân 4.800.000 đồng; bảo vệ trụ sở làm việc 8.400.000 đồng; bảo vệ trạm y tế 4.800.000 đồng; trả lương cho CT Hội cựu TNXP, chất độc da cam, 6.210.000 đồng; chi hỗ trợ cán bộ Văn phòng Đảng ủy 11.868.000 đồng…. v.v….
Rõ ràng, căn bệnh bộ máy công chức cồng kềnh đã lây lan từ các ngành, các bộ xuống tận các làng quê
Hãy nghe các vị am hiểu và có trách nhiệm trong vụ này nhìn nhận ra sao.
Ông Dương Đình Tuấn, Phó Chánh thanh tra Sở Tài chính Hà Tĩnh: Đây là khoản thu sai với quy định của pháp luật.
Ông Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp): Phải trả lại ngay số tiền thu sai cho người dân. Tổ chức xin lỗi người dân một cách công khai. Đây là một thủ đoạn để tận thu ở cơ sở. Nếu không kiểm tra quyết liệt, xử lý dứt điểm thì sẽ là gánh nặng cho nông dân và để lại hậu quả khó lường.
Ông Nguyễn Duy Lượng, Phó CT Hội Nông dân VN: Như thế là vi phạm luật. Việc các xã tự ban hành những khoản thu là một sự tùy tiện, không tôn trọng dân, vi phạm quyền dân chủ.
Người viết bài bỗng nhớ đến tiểu thuyết "Sông Đông êm đềm" nổi tiếng một thời, nhớ đến những người dân Cô dzắc chiến đấu vì mảnh đất của mình ra sao. Và nhớ đến những người dân Hà Tĩnh của dòng sông La “trời mô xanh bằng trời Can Lộc, nước mô xanh bằng dòng nước sông La...”, bên những chợ lao động ở các đô thị.
Có bao nhiêu những người trẻ của các miền quê phải ly nông và ly hương lên t/p bổ sung vào đội ngũ này. Ở lại, chỉ còn ông già bà cả, trẻ em, phong cảnh làng quê buồn hiu hắt. Trong cái sự biệt xứ mà đi của những người trẻ ở nông thôn, do giá trị lao động nông nghiệp quá thấp, có bao nhiêu còn do cả vì sự tận thu kiểu này của các quan xã?
Họ yêu quê, nhớ quê nhưng…
Được biết mới đây, Phó TT Vũ Văn Ninh giao UBND tỉnh Hà Tĩnh khẩn trương kiểm tra, làm rõ vấn đề này báo cáo kết quả lên Thủ tướng CP. Trường hợp nếu có việc thu các loại phí sai quy định, trái pháp luật thì phải hủy bỏ và hoàn lại cho dân, đồng thời xử lý kỷ luật các cán bộ vi phạm.
Bị can Giang Kim Đạt. Ảnh: Tiền phong |
“Tuổi trẻ tài cao- tuổi lớn, tài cao”
Vào đúng lúc vụ việc loạn thu của các xã thuộc huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) còn chưa lắng xuống, dư luận XH rất chú ý thông tin, cơ quan chức năng vừa liên tiếp bắt 04 vị quan chức đều ở các doanh nghiệp lớn.
Đó là các ông Tạ Bá Long, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu (GP. Bank), ông Đoàn Văn An, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT GP. Bank về tội”cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 165 Bộ Luật Hình sự. Kèm đó, báo chí đưa thông tin cận cảnh về khối tài sản khủng của cả hai ông.
Rõ khéo, khi cả hai ông cựu trưởng và phó của HĐQT GP. Bank này làm thành một "cặp đôi hoàn hảo" về… vi phạm pháp luật.
Tiếp đó, hai quan chức khác khiến cả XH sửng sốt, sững sờ vì vị thế và mức độ tội phạm- cũng phải tra tay vào còng.
Sửng sốt, vì một người còn rất trẻ, sinh năm 1977, chức vụ quản lý cũng be bé con con- nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh của công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin thuộc Tập đoàn Vinashin (gọi tắt Vinashinlines)- là Giang Kim Đạt, nhưng khối tài sản bất minh mà Giang Kim Đạt chiếm hữu thật không hề be bé con con, mà quá lớn- 40 biệt thự, căn hộ, đất đai, trị giá 18, 6 triệu USD.
Nói theo cách nói chua chát của thời hiện đại, thật là tuổi trẻ, tài cao
Sửng sốt, vì một người khác, có cương vị lớn hơn hẳn Giang Kim Đạt, là ông Nguyễn Xuân Sơn, cựu CT Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí QG (PVN), tập đoàn kinh tế lớn của nước Việt, vừa đi công cán, ký kết với Mỹ những dự định làm ăn lâu dài, cũng phải tra tay vào còng. Thật là tuổi lớn, tài cao!
Nhưng bình tĩnh lại, cả 04 kẻ “ngã ngựa” đã không khiến người Việt ngạc nhiên
nữa, sau những ồn ào bàn luận. Vì từ lâu tham nhũng là loại “giặc nội xâm” mà
người Việt phải sống chung, như sống chung với lũ, vẫn trong cơn bĩ cực.
Báo cáo mới nhất của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cho biết, năm 2013, tỷ lệ số tiền, tài sản tham nhũng thu hồi chỉ đạt chưa đến 10%. Năm 2014 cũng chỉ đạt trên 22%. Theo PGS.TS Đặng Ngọc Dinh (Giám đốc TT nghiên cứu Phát triển Hỗ trợ Cộng đồng), thì nếu so sánh con số trên với tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt trên thực tế thì tỷ lệ còn thấp hơn nhiều. Mặt khác, việc thu hồi tài sản bị “đánh cắp” không phải dễ dàng. Bởi lẽ, tham nhũng ở Việt Nam hiện nay rất phức tạp, đã trở thành “tập quán”. Và một khi tham nhũng khó kiểm soát thì việc thu hồi tài sản tham nhũng sẽ rất khó đạt yêu cầu. (GDVN, ngày 24/7)
Vì sao?
Người viết bài tâm đắc với nhìn nhận của Gs Nguyễn Minh Thuyết (GDVN, ngày 25/6): Cán bộ mình hư hỏng là do cơ chế của mình lỏng lẻo, dễ dãi với người có chức quyền quá. Một số hành vi tham nhũng có thể làm sụp luôn cả một doanh nghiệp, có thể ném thêm một quả cân vào gánh nợ công, khiến chúng ta không ngóc cổ dậy được!
Như một sự minh họa sinh động cho nhìn nhận này, mới đây, ngày 22/7, báo Đất Việt đưa tin: “Bất ngờ con số nợ công vượt xa mức công bố”. Theo đó, World Bank vừa cho biết con số nợ công của VN hiện là 110 tỉ USD, vượt xa con số mà Bộ Tài chính từng đưa ra trước đây. Nếu cách đây ít tháng, số nợ công tính trên đầu người VN là 21 triệu đồng, thì nay, con số đó đã lên tới 26 triệu đồng/người. Trong số nợ công đó, liệu có bao nhiêu kẻ tham nhũng góp phần… tích cực?
Những kẻ tham nhũng mới đây, rồi sẽ phải chịu sự xử lý nghiêm khắc, ở góc độ vi phạm pháp luật, bởi lòng tham vô độ đến mờ mắt.
Trong quá khứ, những kẻ đó từng hỉ hả, giờ đây, chắc chắn, suy ngẫm lại tội lỗi, họ sẽ phải khóc.
Những thủ đoạn của Giang Kim Đạt rồi đây sẽ được cơ quan chức năng làm sáng tỏ, thế nhưng, người ta chưa quên 11 lần thanh tra, cả 11 lần đều kết luận tốt đẹp, và không phát hiện được những sai phạm tày trời. Vậy thì trách nhiệm, chức năng giám sát thế nào?
Một giải pháp gần đây, hay được cơ quan phòng chống tham nhũng nhắc đến và thực hiện, là kê khai tài sản của các quan chức trong diện đối tượng. Thế nhưng toàn bộ sự kê khai tài sản chỉ dựa vào lời khai của các đối tượng, mà bản thân cơ quan phòng chống tham nhũng không nắm được nguồn gốc đồng tiền của các tài sản này kiếm được từ đâu? Vậy thì ai bảo đảm đó là sự minh bạch về tài sản lẫn phẩm chất người khai. Thế cho nên kết quả kê khai hơn 01 triệu người, chỉ phát hiện được 04 trường hợp không trung thực.
Và vì thế, chuyện Giang Kim Đạt có bố là Giang Văn Hiển đứng tên các tài sản tham nhũng, cũng chỉ là mánh mung, thủ đoạn của một kẻ không may bị lộ trong rất nhiều kẻ tham nhũng chưa bị lộ mà thôi.
Đặt vụ việc những người nông dân nghèo khó ở Can Lộc bị tận thu, bên cạnh vụ việc những quan chức mới đây ngã ngựa vì tham nhũng, có khối tài sản khổng lồ, vô tình như một phép đối chứng chua xót về sự giàu nghèo sâu sắc. Tiếc thay phép đối chứng bất đắc dĩ đó lại do con người, do cơ chế XH góp phần tạo nên
Thế nên hồi thái lai của nước Việt, bao giờ?