Nói hay mà không làm, nói hay mà làm không hay, nói một đằng mà làm một nẻo, thì trước sau gì "danh ngôn" đó cũng bị người đời, bị xã hội... "thanh lý".

>> Khi quan chức ngại tiếp xúc với truyền thông

>> Quan chức hạ cánh và cặp bài trùng ma quỷ

>> Từ phát ngôn 'gây bão' của đại biểu Quốc hội

Để làm "người khôn"...

Người xưa có câu rất hay về cái sự nói: "Chim khôn hót tiếng rảnh rang /Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe".

Để làm được "người khôn" tức là hiểu được cái tâm lý chung, là bắt được cái cảm giác ban đầu của người đời. Ai có tài ăn nói thường dễ lấy lòng được đám đông, ai có tài hùng biện thường thu hút được công chúng quan tâm, hâm mộ, tán thưởng.

Các vĩ nhân xưa và nay, cùng với những phát ngôn bất hủ của họ đã làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực của dân gian, của nhân loại. Họ được ca ngợi, bình phẩm, truyền tụng, ghi chép, lưu lại cho các thế hệ mai sau.

Người làm quan, làm lãnh đạo thời nay hầu như đều biết rõ tầm quan trọng của việc giao tiếp, nên nhiều vị đã cố gắng rèn luyện cho mình có được những kỹ năng, chuẩn bị cho mình "sẵn" những lời nói đẹp, những phát ngôn hay trước các nhân viên, trước các cộng sự cấp dưới và trong tất cả các mối quan hệ nhân sự đối tác, xã giao bên ngoài.

Nhưng lãnh đạo, quan chức phát biểu hay, phát ngôn hay cũng chỉ mới là điều kiện cần... Còn phải hội tụ điều kiện đủ.

Cách đây không lâu, một vị nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế - ông Hồ Xuân Mãn - đã bị Chủ tịch nước ký quyết định hủy bỏ quyết định phong tặng danh hiệu AHLLVTND, vì đã có hành vi gian dối trong việc kê khai thành tích.

Ông Mãn từng là lãnh đạo đứng đầu một tỉnh, cũng đã từng là Trưởng ban chỉ đạo Cuộc vận động lớn và tất nhiên trong các cương vị đó, hẳn ông đã từng có những bài phát biểu hay, rất hay. Hơn thế nữa, ông cũng đã từng được tuyên dương là cá nhân điển hình, là một trong 03 bí thư tỉnh ủy được nêu gương trong cuộc vận động này.

Thế nhưng đối diện với thực tế bây giờ, xem ra "những bài phát biểu hay" ấy của ông đã... trở thành trớ trêu. Bởi những việc làm đó thật đối nghịch với những phát biểu trước người dân, trước đồng chí của ông.

{keywords}

Căn biệt thự của ông Trần Văn Truyền tại Bến Tre - Ảnh: Ngọc Tài/TTO

Mong chỉ là chuyện cá biệt?

Và mới đây, ngày 21/11, một vị cựu quan chức khác- ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra thông cáo báo chí Kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm về thực hiện chính sách nhà, đất. Một bản thông cáo rất dài với năm cụm từ kết luận như vậy khiến dư luận xã hội, dù đã theo dõi lâu nay, không khỏi bất ngờ, bức xúc... Bởi ông từng được coi là người đứng đầu trong việc bảo vệ các quy định của pháp luật, các quy định của nhà nước, nay lại là người vi phạm nghiêm trọng chúng.

Không phải là ngoại lệ, ông Trần Văn Truyền đã từng có những phát ngôn, phát biểu rất hay mà trang báo mạng Một Thế Giới vừa mới lục tìm đăng trích lại. Tỷ như: "phải theo dõi cả hồ sơ kê khai tài sản của cán bộ nghỉ hưu; đấu tranh chống tham nhũng là phải biết hy sinh; khai là phải trung thực...".

Ông bà xưa thường dặn rằng "uốn lưỡi bảy lần trước khi nói". Đây là câu thành ngữ ví von nhằm khuyên nhân tình thế thái nên thận trọng, thấy được "cái họa" của việc không kiểm soát được lời nói là vô cùng nguy hiểm cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Quan trọng hơn ông bà ta xưa kia, bằng câu nhắn nhủ đó còn khéo nhắc nhở rằng, lời nói phải đi đôi với việc làm. Đây cũng là điều Chủ tịch Hồ Chí Minh, sinh thời thường căn dặn các cán bộ, đảng viên của mình.

Các vĩ nhân trong lịch sử thường có các danh ngôn. Danh ngôn của họ trường tồn với thời gian là do họ đạt được một điều rất "đơn giản" nhưng vô cùng khó khi thực hiện, đó là "lời nói phải đi đôi với việc làm". Nói hay mà không làm, nói hay mà làm không hay, nói một đằng mà làm một nẻo, thì trước sau gì "danh ngôn" đó cũng bị người đời, bị xã hội... "thanh lý". Đó là một bài học đau đớn, nhất là trong thời thế giới phẳng.

Người lãnh đạo nói chung và người lãnh đạo hiện đại hôm nay nói riêng phải hội tụ đủ hai điều kiện cần và đủ, tức là nói và làm phải nhất quán.

Người viết bài vẫn chỉ mong rằng chuyện ông Mãn, ông Truyền có thể chỉ là cá biệt. Dù vậy, đó vẫn là những bài học trực quan thực tiễn mà đau đớn trong đời sống này. Cho những ai có chức trách, bổn phận, cho mỗi người chúng ta, dù chỉ là cương vị công chức, công dân thường tình về cả văn hóa sống với cộng đồng, với tập thể- lời nói đi đôi với việc làm.

Minh Phước