Cuốn truyện “Quân khu Nam Đồng” của tác giả Bình Ca đang gây ra hiện tượng trong làng sách. Vừa mới xuất hiện, những bản in đã bán hết veo, có dấu hiệu sách bị “luộc” với giá cao hơn giá bìa.


Chuyện “ngược đời” ở phố sách

Rất ít người trẻ hôm nay hiểu được vì sao lại có thời, khái niệm “quân khu” từng để lại ấn tượng như thế với những cư dân đường phố Hà Nội những năm 70 của thế kỷ trước: “Quân khu Nam Đồng”, “Quân khu Lý Nam Đế”, “Quân khu 1A Hoàng Văn Thụ”, “Quân khu 28 Điện Biên”… Có lẽ chính vì điều ấy mà “Quân khu Nam Đồng” ngay trong tuần đầu xuất hiện đã trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên mạng.

{keywords}

Sức nóng của cuốn sách còn khiến hàng loạt các cửa hàng ở phố sách Nguyễn Xí - một trung tâm sách lớn của Hà Nội “chao đảo”. Chủ các cửa tiệm sách ở đây vốn vồn vã, chiều khách là thế, ấy mà từ khi “Quân khu Nam Đồng” xuất hiện bỗng trở nên “sang chảnh” hẳn.

Những người hỏi mua sách từ 10 cuốn trở lên buộc phải xuất trình chứng minh thư để chứng minh mình đích thực là dân “quân khu Nam Đồng” thì mới được bán với giá ưu đãi. Chuyện kể như đùa nhưng lại có thật. Nhiều độc giả chia sẻ trong những đợt cao điểm giữa hai lần tái bản sách họ đã phải mua “Quân khu Nam Đồng” với giá cao gấp 3, thậm chí gấp 4 lần - trong khi từ trước tới nay, hầu hết sách mới ra đều có phần giảm giá từ 10-20% với giá bìa.

Người đọc không chỉ sôi sục tìm kiếm cuốn sách mà ngay cả tác giả Bình Ca - cái tên mới tinh với làng văn cũng tạo nên sức hút vô cùng lớn. Cùng với sức nóng của “Quân khu Nam Đồng” thì cái tên Bình Ca cũng được “truy lùng” gắt gao. Nhà xuất bản Trẻ thì tôn trọng thỏa thuận với tác giả, tuyệt nhiên không tiết lộ danh tính thật của Bình Ca. Song ai cũng biết đó là chính là một nhân vật ở trong truyện và một thành viên của “Quân khu Nam Đồng” tiếng tăm một thời bao cấp.

Giọng văn trong “Quân khu Nam Đồng” không phải là giọng văn chương thuần túy và đó cũng không phải là một tiểu thuyết theo kiểu lớp lang chương hồi, có thắt nút mở nút. Thực sự cuốn sách dày 435 trang này giống hơn với một cuốn hồi ký được trình bày sinh động bằng một giọng văn vô cùng hài hước, tưng tửng, tỉnh queo đúng chất… quân khu.

Tác giả Bình Ca chia sẻ: “Cuộc sống đã có nhiều thứ để lo toan, vất vả tại sao mình cứ phải dằn vặt, phải buồn rầu, đau khổ để làm gì? Tôi tự hỏi nếu mỗi sớm mai thức dậy liệu mình buồn thì mọi việc có dễ dàng hơn? Vì thế tôi lựa chọn cho mình cuộc sống vui vẻ, tích cực. Thời ấy của những đứa trẻ của quân khu Nam Đồng lại càng vô lo hơn vì thế việc của tôi đơn giản hơn rất nhiều khi chỉ kể lại một câu chuyện có thật một cách trung thực những gì đã diễn ra khi ấy”.

Ký ức một thời của Hà Nội

Đọc “Quân khu Nam Đồng” người đọc có cảm giác như được bao phủ trong mạch nguồn ký ức cuồn cuộn ùa về. Cái ký ức với những chi tiết kể về các buổi chào cờ của lớp 8D, về các trò chống đối thầy cô trong giờ học, rút quai dép của bạn... Thầy cô, bố mẹ, đến cả những vị tướng… tất cả đều bình đẳng trong ký ức của những cậu con trai ngày ấy với những hàng dài xếp xô hứng nước ở vòi nước máy công cộng. Tình mẹ con, tình cha con, tình thầy trò, tình bạn cùng trường cùng phố, tình yêu đầu đời vô cùng non nớt mà sâu nặng thuở học trò... hiện lên trên mỗi trang sách thật dung dị, chân thật. 

Tác giả Bình Ca chia sẻ, điều anh đã làm được ở “Quân khu Nam Đồng” không phải là dựng lên các nhân vật, các câu chuyện để minh họa, lý giải về sự xuất hiện, tồn tại của một danh xưng như thế, mà anh đã kể được một câu chuyện có thật, về những nhân vật có thật trong một khu gia binh khổng lồ nằm giữa Hà Nội khi ấy.

“Ban đầu, tôi viết không hề có ý định xuất bản mà chỉ dành cho bạn bè đọc. Khi bản thảo hoàn thành, tôi đưa nó cho cậu em và nhắn cậu đọc thử xem sao. Bẵng đi một vài tuần, khi đó cậu em mới đọc và khuyên tôi nên xuất bản thành sách để nhiều người được đọc hơn. Đắn đo gần một năm, cuốn sách đã ra đời”- tác giả Bình Ca cho biết.

Trước khi quyết định đưa sách cho NXB, tác giả cũng cân nhắc bởi lẽ khi đó nó không là câu chuyện của riêng anh mà là của nhiều người khác. Vì lẽ đó, tên các nhân vật trong truyện đã được thay đổi để giữ cho mọi người bí mật của riêng họ. Còn về các nhân vật của mình, nhiều người trong số đó đã trở thành nhân vật có vị trí trong xã hội, một số người thì đi theo những ngã rẽ số phận khác nhau song tất cả họ đều là bạn bè vì thế phần lớn họ đều được hỏi han trước khi Bình Ca kể những câu chuyện “nhạy cảm” về tuổi thơ của họ.

40 năm sau ngày những tên tuổi “lừng danh” của quân khu Nam Đồng dù tình nguyện hay miễn cưỡng rời mái trường cấp 3 Đống Đa, mỗi người một công việc, một số phận tản mát mỗi đứa một nơi. Rất đông trong số họ vì nhiều lý do khác nhau đã không có dịp để quay về với khu tập thể Nam Đồng.

“Khu tập thể cũ kỹ ấy sau hơn nửa thế kỷ tồn tại cũng đã cơ bản hoàn thành sứ mệnh và chắc sẽ chẳng còn bao lâu nữa những tòa cao ốc mới sẽ được xây dựng trên chính nền móng những ngôi nhà xưa. Vì thế cuốn sách không đơn thuần là món quà dành tặng cho tất cả các cư dân của khu tập thể Nam Đồng mà nó đã thực sự là chiếc cầu nối yêu thương đưa mọi người xích lại gần nhau hơn, nhân ái hơn như chính những câu chuyện về những ngày ấu thơ yêu dấu” - tác giả Bình Ca tâm sự. 

Theo Dân Việt