Trường ĐH Kinh tế Quốc dân là trường đầu tiên ứng dụng hệ thống tự xác thực và điểm danh sinh viên.

Theo TS Lê Việt Thủy, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin (Trường ĐH Kinh tế quốc dân), mỗi lần nhập học trước đây, sinh viên phải xếp hàng rất lâu. Nhưng trong khóa tuyển sinh mới năm nay, tân sinh viên đã có thể tự xác thực bằng cách chụp chứng minh thư, nhập thông tin, chụp ảnh và hệ thống sẽ tự động lưu trữ, cấp thẻ sinh viên cho các em. Từ đó, sinh viên có thể ra vào các tòa nhà trong trường.

{keywords}
Các trường đại học đang tiến tới quản lý sinh viên bằng công nghệ số. Ảnh: Phạm Hải

Phần làm thẻ sinh viên ngay trên hệ thống khiến các em rất hào hứng vì không còn phải xếp hàng nữa.

Hay như khi sinh viên tham gia vào các hoạt động của trường cũng đều được điểm danh tự động. Điều này khiến việc đánh giá quá trình phấn đấu trong rèn luyện của sinh viên được chính xác hơn.

“Trước đây, việc đánh giá này rất khó định lượng. Hiện tại, mỗi em có một mã số riêng. Khi tham gia vào hoạt động nào, hệ thống sẽ tự động tích điểm cho các em và người khác không thể làm thay. Từ đó, việc đánh giá sẽ thực chất” – ông Thủy chia sẻ.

Thay đổi phương thức đưa kiến thức tới sinh viên

Cũng theo TS Lê Việt Thủy, trong quá trình chuyển đổi số, điều quan trọng nhất là phương thức đưa kiến thức đến sinh viên cần phải có sự thay đổi.

Nếu như trước đây, sinh viên chủ yếu học tập trên lớp, giáo viên cung cấp tri thức thì bây giờ, khi chuyển dần sang việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động dạy và học, cách thức và nội dung giảng dạy của giảng viên cũng cần phải có sự đổi mới. Trong đó, bài giảng và tài liệu phải được số hóa.

Chính vì thế, những năm gần đây, Trường ĐH Kinh tế quốc dân đã đưa gần như toàn bộ giáo trình lên hệ thống học liệu số để sinh viên có thể truy cập vào đọc giáo trình, tài liệu.

Thay vì in giáo trình giấy để phát hành đến sinh viên, nhà trường chuyển sang số hóa vì giảm số lượng in, chỉ in một phần rất nhỏ phục vụ tại thư viện và dùng để lưu trữ.

TS Thủy cho biết việc số hóa giáo trình đã tiết kiệm hơn rất nhiều từ việc in ấn. Con số này vào khoảng 2 – 3 tỷ đồng mỗi năm.

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cũng đã có thư viện số, giúp học viên khai thác được tài liệu mà không phải đến tận nơi.

“Sinh viên được tiện lợi hơn rất nhiều, chỉ cần truy cập mạng, tải về để học. Đặc biệt, với những người học cao học cũng có thể tham khảo giáo trình đại học nếu cần thiết.

Cũng nhờ kho học liệu này, sinh viên có thể tự học và tự đọc sách liên ngành, mở rộng thêm nhiều nội dung, lĩnh vực. Rõ ràng, phổ cung cấp kiến thức sẽ rộng hơn, người dùng sẽ tiếp cận được nhiều nội dung kiến thức hơn” - Ông Bùi Văn Hồng, Viện trưởng Viện Sư phạm kỹ thuật (Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) cho biết.

{keywords}
Thư viện thông minh của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM 

Giữa tháng 10 vừa qua, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã đưa vào vận hành thư viện thông minh. Đây là thư viện chuyển đổi số, được đầu tư hạ tầng hiện đại và tự động trong tất cả các khâu. Người dùng có thể dễ dàng tìm sách, mượn sách, đặt phòng học… chỉ với chiếc điện thoại thông minh.

Thư viện này còn kết nối cơ sở dữ liệu với hơn 90 nhà xuất bản các trường đại học danh tiếng của Mỹ. Người học có thể đăng ký các phòng tự học, tra cứu tài liệu online trên website.

Mặc dù có 3 cơ sở ở 3 nơi khác nhau nhưng thư viện chỉ cần 10 nhân viên để quản lý tất cả các hoạt động.

Theo bà Hoàng Tuyết Anh, Giám đốc thư viện, thì “thư viện này sẽ mang lại những giá trị mới, từ đó, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM có cơ hội trở thành trường học đầu tiên của Việt Nam thậm chí là khu vực Đông Nam Á hoàn chỉnh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện”.

Phương Chi

Không chuyển đổi số giống như có điện mà vẫn thắp đèn dầu

Không chuyển đổi số giống như có điện mà vẫn thắp đèn dầu

Đó là ví von của GS.TSKH Hồ Tú Bảo – chuyên gia về trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu khi bàn về lý do phải chuyển đổi số.