Đằng sau việc GDP Việt Nam vượt Singapore

Báo cáo của Chính phủ về kinh tế xã hội năm 2020, dự kiến năm 2021 cho thấy: Tốc độ tăng trưởng GDP cả năm ước đạt trên 2%, phấn đấu đạt khoảng 3%, Việt Nam là nước có mức tăng trưởng dương cao nhất so với 5 nền kinh tế lớn trong khu vực Đông Nam Á, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới và được thế giới đánh giá cao.

Tính cả giai đoạn 2016-2019, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) giai đoạn 2016-2019 đạt mức cao, đặc biệt năm 2018 đạt 7,08% - mức cao nhất trong 13 năm gần đây.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá chất lượng tăng trưởng chưa được cải thiện nhiều. Ứng dụng của khoa học, công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, góp phần gia tăng hiệu quả sản xuất, tuy nhiên đào tạo nhân lực, thu hút đầu tư và nguồn lực tài chính cho nghiên cứu khoa học, chuyển giao và làm chủ công nghệ tiên tiến cần được phân tích rõ hơn.

{keywords}
Tăng trưởng GDP cần thêm những động năng mới.

Trong khi đó, GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD/người là một trong những chỉ tiêu không đạt, còn cách khá xa mục tiêu (3.200-3.500 USD/người). Vì vậy, Ủy ban này đề nghị làm rõ nguyên nhân (bao gồm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19) để có giải pháp, đặt mục tiêu hợp lý hơn cho giai đoạn tiếp theo. Có ý kiến cho rằng chỉ tiêu GDP chưa phản ánh đầy đủ thực trạng nền kinh tế, cần phân tích thêm về tổng thu nhập quốc gia (GNI).

Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập cao.

Mới đây, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo GDP cuối năm 2020 của Việt Nam đạt hơn 340 tỷ USD, điều  này giúp quy mô nền kinh tế Việt Nam vượt Singapore (337 tỷ USD) và Malaysia (336 tỷ USD). IMF cũng dự báo GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng từ 3.416 USD năm ngoái lên gần 3.500 USD năm nay.

Tại buổi công bố báo cáo kinh tế vĩ mô mới đây, TS Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, nhận xét GDP của ta về danh nghĩa vượt Singapore và Malaysia. Nhưng hai nước này có dân số rất thấp, trong khi dân số Việt Nam là 100 triệu.

“Điều này giống như đại gia đình có nhiều lao động phổ thông nên tổng thu nhập tương đối cao, còn nhà hàng xóm chỉ có 1-2 người làm nghệ sỹ thôi mà thu nhập đã bằng chừng đó. Cho nên, GDP ấy không có nhiều ý nghĩa, bởi thực tế GDP bình quân đầu người Việt Nam vẫn chỉ cao hơn Myanmar, Lào, Campuchia”, ông Nguyễn Đức Thành nói.

“Dù sao, quy mô GDP một nước cũng nói lên bản thân nước đó có vai trò nhất định như một thực thể trong ASEAN, sẽ đóng góp nhiều hơn, có vai trò nhiều hơn trong ASEAN”, theo ông Thành.

Nhắc đến mục tiêu năm 2030 Việt Nam thành nước thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập cao, ông Nguyễn Đức Thành đánh giá điều này mặc dù khó khăn nhưng không phải là không thể thực hiện được. Muốn đạt được Việt Nam phải dồn lực, cố gắng rất nhiều.

{keywords}
Chỉ khi thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tăng lên, niềm vui mới thực sự trọn vẹn.

Cơ hội bứt phá

Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Tuấn Minh lưu ý: Với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, tất cả những cuộc khủng hoảng như đang trải qua là cơ hội tốt để bắt kịp các quốc gia khác khi khủng hoảng trôi qua. Tất nhiên, điều này chỉ thực hiện được nếu như các quốc gia đang phát triển giảm thiểu được tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng và tích lũy được các động năng để vươn lên giai đoạn tới.

Cũng nhắc đến các mốc 2030 và 2045 trên, ông Đinh Tuấn Minh cho rằng dù mục tiêu đó là “tham vọng” nhưng cũng rất đáng để nhìn xem Việt Nam vượt cuộc khủng hoảng này như thế nào để vươn lên, vượt qua được chặng đua giữa các quốc gia đang phát triển nhằm tiến tới nấc thang cao hơn.

TS Đinh Tuấn Minh cũng lưu ý: Đại dịch gây ra khủng hoảng về kinh tế, trong đó tác động nặng nề nhất là tạo ra gánh nặng với nợ công. Quốc gia nào càng lạm dụng, vì lý do nào đó chi tiêu quá nhiều cho phòng ngừa dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội thì bị chịu tổn hại về mặt dài hạn. Nợ vẫn ở đó chứ không biến mất, nợ đó đè nặng nền kinh tế trong khoảng thời gian rất dài, phải tăng thuế, giảm chi tiêu đầu tư công và an sinh xã hội khác trong tương lai để trả được nợ.

"Điều này khiến các quốc gia khi dùng quá nhiều chính sách tài khóa hỗ trợ người dân, DN trong việc giảm thiểu tác động dịch bệnh thì phải trả hậu quả đó trong tương lai, làm cho quốc gia đó chậm phát triển", ông Minh cảnh báo.

Ông Đinh Tuấn Minh khuyến nghị: Nếu Việt Nam đưa ra được những chính sách bồi dưỡng các yếu tố nền tảng, chúng ta có cơ hội phát triển rất tốt thời gian tới. Đó là cải cách về thuế, thúc đẩy nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo... Ngoài ra, Chính phủ đẩy mạnh khu vực tư nhân bởi đây là lực lượng năng động nhất nên cần thúc đẩy phát triển. Đồng thời, cải cách các dịch vụ công, dựa nhiều hơn vào cơ chế thị trường để Việt Nam không những phát triển mà còn tạo ra sức đề kháng cho các cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Cùng quan điểm khi nhắc đến triển vọng dài hạn cho kinh tế Việt Nam, PGS.TS Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế quốc dân khuyến cáo: Không vì bệnh dịch mà trì hoãn các cải cách mang tính nền tảng, đặc biệt cải cách về ngân sách, môi trường kinh doanh,... Bởi thực tế, các cải cách đó gần như bị lu mờ khi bệnh dịch bệnh bùng phát.

Lương Bằng

Vượt qua biến cố, Việt Nam tăng trưởng top đầu thế giới

Vượt qua biến cố, Việt Nam tăng trưởng top đầu thế giới

Mặc dù năm 2020 kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2016-2020 ước đạt khoảng 5,9%, thuộc nhóm cao nhất khu vực và thế giới.