Mưa bão gây sạt lở ở huyện Nam Trà My, Quảng Nam.

Năm 2022, tại Quảng Nam, thiên tai đã gây thiệt hại nặng nề, tập trung trên địa bàn các huyện Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, Tây Giang, Đại Lộc,... ước tổng thiệt hại khoảng 4.900 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2023 đến nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng chịu ảnh hưởng thiên tai như nắng nóng, mưa lớn, dông dét, mưa đá… gây thiệt hại về nhà, trang thiết bị, rau màu và lúa sắp thu hoạch vụ đông xuân của người dân.

Để chủ động ứng phó với thiên tai, tỉnh Quảng Nam triển khai nhiều biện pháp phòng tránh và ứng phó, trong đó chú trọng với phương châm "4 tại chỗ". 

Nhân rộng mô hình chòi tránh lũ, xây khu tái định cư tránh bão, lũ

Quảng Nam là một trong những tỉnh nằm ở khu vực miền Trung, hàng năm người dân phải gánh chịu những trận bão mạnh; những cơn lũ quét bất ngờ; những trận lụt lớn gây thiệt hại về người, tài sản và hoa màu của người dân trên địa bàn tỉnh. Để giúp người dân ở vùng bão, lũ có được những chòi/phòng trú bão, lũ, lụt, năm 2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết số 32/2021/NQ-HĐND (Nghị quyết 32) quy định về mức hỗ trợ xây dựng chòi/phòng trú, bão, lũ, lụt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. 

Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là các hộ nghèo; hộ cận nghèo; hộ có mức sống trung bình được pháp luật quy định (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025); hộ gia đình nằm trong vùng thường xuyên xảy ra bão lũ nhưng chưa có nhà ở kiên cố; hộ gia đình chưa có nhà ở kiên cố hoặc có nhà ở kiên cố nhưng chưa có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5m trở lên tính từ nền nhà; hoặc có nhà ở được hỗ trợ theo các chương trình, chính sách hỗ trợ nhà ở khác của Nhà nước, địa phương và các tổ chức, đoàn thể nhưng đã hư hỏng, xuống cấp, chưa kiên cố, chưa có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5 m trở lên tính từ nền nhà.

Giai đoạn 2021-2025, Quảng Nam sẽ triển khai cho khoảng 12.300 hộ, với mức kinh phí khoảng hơn 100 tỷ đồng. Việc hỗ trợ xây dựng chòi/phòng để trú bão, lũ lụt nhằm giúp các hộ dân sinh sống ở khu vực thấp trũng, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai có điều kiện giảm nhẹ thiệt hại, thích ứng với biển đổi khí hậu.

Ngay khi Nghị quyết được ban hành, các địa phương trong tỉnh đã nhanh chóng triển khai thực hiện.

Tại huyện Phú Ninh, với tổng kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng, giai đoạn từ năm 2023-2025, Phú Ninh sẽ triển khai xây dựng khoảng 768 chòi/phòng trú bão, lũ cho người dân vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bão, lũ, lụt trên địa bàn huyện. Riêng trong năm 2023, trên địa bàn huyện có 54 nhà đăng ký thực hiện.

Giai đoạn 2021-2025, Quảng Nam sẽ triển khai hỗ trợ cho khoảng 12.300 hộ, với mức kinh phí khoảng hơn 100 tỷ đồng để xây dựng chòi, phòng trú bão hoặc cải tạo nhà để tránh bão, lũ lụt.

Tại thị xã Tam Kỳ, triển khai thực hiện Nghị quyết 32, giai đoạn 2021 – 2025, Tam Kỳ có hơn 1.450 hộ gia đình ở các vùng trũng thấp, thường xuyên chịu cảnh ngập lụt trong mùa mưa sẽ được hỗ trợ xây dựng chòi, phòng trú bão hoặc cải tạo nhà để tránh bão, lũ lụt. 

Riêng trong năm 2023, Tam Kỳ sẽ triển khai hỗ trợ 1.175 hộ, năm 2024 hỗ trợ 233 hộ và năm 2025 là 54 hộ. Bình quân mỗi chòi hoặc phòng tránh lũ lụt được hỗ trợ kinh phí 10 triệu đồng từ nguồn ngân sách tỉnh kết hợp với ngân sách thành phố và các nguồn huy động hợp pháp khác. 

Nông Sơn một trong những địa phương của tỉnh Quảng Nam thường xảy ra thiên tai bất ngờ, và việc di dời dân gặp nhiều khó khăn. Thực hiện Nghị quyết 32 của HĐND tỉnh về xây dựng chòi, phòng tránh trú bão lũ giai đoạn 2021-2025 đã giúp nhiều hộ gia đình ở Nông Sơn vừa có nhà tránh trú vừa có thể sinh hoạt tạm thời trong thời gian bão lũ xảy ra.

Toàn huyện có hơn 700 hộ đăng kí hỗ trợ xây dựng chòi tránh bão. Theo đó, đợt 1 năm 2023, huyện có 67 phòng, chòi tránh bão lũ được hỗ trợ xây dựng. Đến nay, cơ bản các gia đình đã được hỗ trợ xây dựng phòng, chòi tránh bão lũ đảm bảo trước mùa mưa.

Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND huyên Nông Sơn cho biết: Riêng năm 2023, UBND tỉnh Quảng Nam đã cấp vốn hỗ trợ và UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương xây dựng xong các phòng/chòi tránh bão, lũ trước mùa mưa bão này. 

“Đây là 1 chủ trương rất ý nghĩa bởi thực tế cho thấy, phòng/chòi tránh bão, lũ không chỉ đảm bảo an toàn cho các gia đình chưa có điều kiện xây nhà kiên cố tránh bão, lũ mà một số gia đình được hỗ trợ đã mở rộng diện tích để mỗi khi có bão, lũ còn là nơi cho hàng xóm đến trú cùng. Điều này vừa gắn kết tình làng nghĩa xóm, vừa giảm áp lực cho chính quyền địa phương trong công tác sơ tán người dân đến nơi an toàn tránh bão lũ”, Phó Chủ tịch UBND huyên Nông Sơn chia sẻ.

Phước Sơn là một trong số địa phương miền núi của tỉnh Quảng Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai. Để ứng phó với thiên tai, thời gian qua, ngoài việc triển khai mô hình chòi tránh lũ, huyện Phước Sơn còn tập trung quy hoạch, đầu tư các khu tái định cư an toàn cho nhân dân.

Đến nay, huyện Phước Sơn đã hoàn thành nghiệm thu, bàn giao 7 khu tái định cư tại 4 xã: Phước Lộc, Phước Thành, Phước Kim và Phước Chánh, đảm bảo các điều kiện bố trí chỗ ở cho 249 hộ, với tổng kinh phí đầu tư hơn 75 tỷ đồng. 

Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong công tác phòng, chống thiên tai

Nhằm nâng cao khả năng chủ động phòng tránh thiên tai, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam đã xây dựng phần mềm ứng dụng phòng chống thiên tai trên điện thoại di động, máy tính giúp người dân có thông tin sớm nhất về thiên tai.

Năm 2023, thiên tai tiếp tục được dự báo có những diễn biến khốc liệt với nhiều đợt mưa lớn, bão, dông lốc và mưa đá trên diện rộng, đặc biệt là tình trạng nắng nóng kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân.

Để đảm bảo hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thì cần phát huy tối đa công tác thông tin tuyên nhằm nâng cao ý thức phòng tránh thiên tai đối với nhân dân. Nhất là trong thời đại công nghệ 4.0, nhất thiết phải đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã chủ trì xây dựng phần mềm ứng dụng phòng chống thiên tai trên điện thoại di động, máy tính nhằm nâng cao khả năng chủ động phòng tránh thiên tai cho tỉnh. Đến nay, ứng dụng phòng chống thiên tai đã hoàn thành, đảm bảo đưa vào sử dụng.

Vì thế mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh vừa có văn bản đề nghị các sở, ngành, địa phương phối hợp phổ biến, triển khai ứng dụng phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Để phần mềm ứng dụng nêu trên phát huy hiệu quả, phục vụ trong công tác phòng chống thiên tai, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức phổ biến phần mềm ứng dụng phòng chống thiên tai đến các cấp chính quyền và người dân để tìm hiểu, truy cập, cập nhập thông tin.

Đồng thời yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Thủy lợi Quảng Nam thực hiện cung cấp tài khoản truy cập phần mềm cho các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan và theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương rà soát, cung cấp, cập nhật thông tin, số liệu tại địa phương trên phần mềm...

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cho biết: “Để đảm bảo điều kiện an toàn trong thiên tai, các địa phương phải tìm cách để truyền thông đến rộng rãi người dân, chỉ đạo cài đặt ứng dụng “Phòng chống thiên tai” trên điện thoại thông minh, giúp người dân có thông tin sớm nhất về thiên tai. Đồng thời kịp thời phản ánh, kiến nghị những vướng mắc để tỉnh có những điều chỉnh phù hợp, nâng cao nhận thức về phòng, chống thiên tai".

Văn Điệp và nhóm PV, BTV