Thiệt hại nặng nề từ mưa lũ
Vào mùa mưa, nhất là các tháng cao điểm ở Lai Châu thường có mưa to, mưa rất to gây lũ quét, thiệt hại về người, tài sản, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân.
Theo thống kê của các cơ quan chuyên môn cho biết, năm 2022, thiên tai đã gây tổng thiệt hại 135 tỷ đồng đối với các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh.
Từ tháng 1 đến tháng 7/2023, trên địa bàn Lai Châu xảy ra 1 đợt rét đậm, rét hại; 5 đợt mưa lớn, dông, lốc; 1 trận động đất làm 2 người bị thương, 427 ngôi nhà bị ảnh hưởng, trên 830ha cây trồng các loại bị hư hỏng, 4 điểm trường bị ảnh hưởng, một số tuyến đường giao thông bị sạt lở… tổng thiệt hại ước tính trên 35 tỷ đồng.
Từ tháng 8 đến tháng 10 trong năm là cao điểm của mùa mưa, điều kiện địa hình đặc thù của Lai Châu là có nhiều vùng núi cao và diễn biến thời tiết phức tạp, là nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại một số khu vực vùng núi và ngập úng tại khu vực vùng trũng, thấp. Nhất là từ đầu tháng 8 vừa qua, nhiều nơi như huyện Phong Thổ, Mường Tè, Nậm Nhùn, Than Uyên có mưa to và rất to, đã gây thiệt hại về tài sản, hoa màu, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu, tính từ đầu tháng 8 đến nay, tại huyện Phong Thổ đã có 11 nhà bị ảnh hưởng do đất đá sạt lở taluy dương vào nhà; nhiều ha sản xuất lúa và hoa màu bị thiệt hại; một số đường liên xã cũng bị sạt lở, vùi lấp gây ảnh hưởng giao thông.
Tại huyện Mường tè, chỉ từ đêm mùng 7 đến sáng 8/8/2023, trên địa bàn huyện đã xảy ra đợt mưa lớn gây sạt lở ở một số khu vực nhà dân, trường học và một số hệ thống thủy lợi trên địa bàn, ước tổng thiệt hại khoảng 2,5 tỉ đồng.
Tương tự, trong những ngày qua, trên địa bàn huyện Than Uyên cũng xảy ra mưa lớn kéo dài trên diện rộng, đặc biệt mưa lớn cục bộ vào chiều 5/8 và ngày 6/8, lũ lớn từ các sông, suối đổ về nhanh đã gây đứt gẫy bờ kè, đổ cột điện, sạt lở đất đá lớn; vùi lấp nhiều diện tích ruộng, hoa màu; sạt lở nhà, cuốn trôi nhiều tài sản của người dân trên địa bàn.
Năm 2023 được dự báo là năm diễn biến thời tiết tiếp tục có nhiều biểu hiện phức tạp, cực đoan không theo quy luật. Nhằm giảm thiểu hậu quả thiên tai, nhất là vào mùa mưa lũ, hằng năm, ngay từ đầu năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai.
Chủ động ngăn ngừa, giảm thiểu thiệt hại
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu Hà Trọng Hải, ngay từ đầu năm, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp được kiện toàn, quá trình vận hành bám sát phương châm phòng tránh là chính, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả nhanh chóng với phương châm ''4 tại chỗ'' (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư và phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ).
Cùng với đó, tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương khẩn trương thực hiện các công điện khẩn của trung ương trong phòng, chống thiên tai; hiệp đồng giữa các lực lượng trong công tác ứng phó, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
Hiện nay, các địa phương trong tỉnh thường xuyên tăng cường thông tin và khuyến cáo về tình hình mưa, lũ có thể xảy ra để người dân chủ động nắm bắt tình hình, thường xuyên theo dõi thông tin thời tiết; khẩn trương di dời ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét;…
Riêng khu vực biên giới, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp với các lực lượng và chính quyền các địa phương tổ chức tuyên truyền các nội dung về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cháy nổ, cháy rừng, cứu sập; các biện pháp phòng ngừa, ứng phó khi có giông lốc, mưa đá xảy ra, góp phần nâng cao nhận thức cho nhân dân vùng biên giới.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan tổ chức rà soát các công trình; tổ chức kiểm tra, rà soát các điểm, khu vực dân cư có nguy cơ xảy ra thiên tai cao, lập phương án bố trí, di dời các hộ dân ra khỏi vùng thiên tai.
Theo thông tin từ Sở Giao thông Vận tải, trước mùa mưa lũ năm nay, Sở đã xây dựng phương án phòng, chống thiên tai cho từng tuyến; tổ chức kiểm tra, xác định những vị trí trọng yếu có nguy cơ sạt lở, cầu, cống có khả năng bị ảnh hưởng thiên tai...; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác duy tu sửa chữa, nạo vét khơi thông rãnh, cống; túc trực thường xuyên để sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố.
Hiện nay, Sở và UBND các huyện đã tổ chức cắm trên 200 biển cảnh báo; duy trì lực lượng thường xuyên khoảng 9.000 người gồm có lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ, thanh niên tình nguyện. Ngoài ra, các xã, phường, thị trấn xây dựng lực lượng tham gia công tác phòng, chống thiên tai xung kích tại các thôn bản, khu phố với lực lượng dân quân làm nòng cốt; 106/106 xã, phường, thị trấn thành lập tổ đội xung kích.
Là một trong những địa phương thường xuyên hứng chịu tác động của thiên tai, ngay từ đầu năm, huyện Phong Thổ đã chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống và ứng phó thiên tai.
Theo đó, huyện đã sớm kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, xã; phân công nhiệm vụ cho các thành viên; thành lập đoàn kiểm tra, hướng dẫn công tác chuẩn bị ứng phó thiên tai của địa phương; phân công các thành viên phụ trách từng thôn, cụm dân cư, phân công lực lượng chốt trực tại các điểm xung yếu; tổ chức diễn tập.
Đồng thời tập trung tuyên truyền, thông tin cảnh báo về các đợt thiên tai, tình hình thời tiết giúp nhân dân nắm được và chủ động các biện pháp phòng, chống, ứng phó. Nhờ đó, từ đầu mùa mưa đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra 5 trận mưa bão song hậu quả được giảm đến mức thấp nhất và công tác ứng phó, khắc phục thiệt hại kịp thời.
Tại huyện Nậm Nhùn, theo ông Nguyễn Thành Đồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn, ngay từ đầu năm 2023, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban của huyện phối hợp cùng UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó nếu có thiên tai xảy ra.
Đồng thời yêu cầu UBND các xã đẩy mạnh tuyên truyền người dân chằng chống lại nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi để bảo vệ tính mạng, tài sản của mình.
Huyện cũng chỉ đạo các địa phương rà soát các hộ dân sống ở khu vực ven sông, suối; khu vực có nguy cơ sạt lở để hỗ trợ di chuyển đến nơi ở an toàn. Khắc phục hậu quả tác động của thiên tai trong thời gian ngắn nhất; các địa phương, doanh nghiệp và các hộ gia đình có kế hoạch dự phòng vật tư, phương tiện, lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cần thiết khác, nhất là những ngày mưa kéo dài.
Ngoài ra, huyện còn huy động tối đa các lực lượng gồm: Bộ đội Biên phòng, công an, doanh nghiệp… trong phòng, chống thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân, các công trình của Nhà nước trên địa bàn, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại nếu thiên tai xảy ra.
Lai Châu là tỉnh còn khó khăn, địa hình chia cắt, hiểm trở, mùa mưa thường xuyên xảy ra mưa đá, gió lốc, trượt, sạt, lũ quét. Các công trình cơ sở hạ tầng kết nối giao thông, thông tin liên lạc của các xã trên địa bàn tỉnh chưa đồng bộ; dân cư phân tán, nhiều điểm dân cư gắn với nơi sản xuất rất xa với các trung tâm. Vì vậy, khi có tình huống thiên tai xảy ra, việc nắm bắt thông tin, huy động lực lượng tham gia ứng phó, khắc phục thiên tai đối với các khu vực vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa rất khó khăn...
Chính vì vậy, để chủ động ứng phó thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, từ nay đến cuối năm 2023 sẽ tiếp tục thực hiện tốt phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương có hiệu quả”.