Đây là giải pháp quan trọng để “đón đầu”, hội nhập với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trên cơ sở đó từng bước xây dựng hệ thống chính quyền điện tử, chính quyền số, xã hội số, công dân số…
Giám đốc Sở TT&TT Quảng Nam Phạm Hồng Quảng nhìn nhận, trong quá trình triển khai các đầu việc liên quan đến chuyển đổi số còn gặp nhiều khó khăn, nhiều “điểm nghẽn”. Cụ thể, cán bộ chuyên trách CNTT, chuyển đổi số tại các đơn vị, địa phương vẫn còn thiếu. Phần lớn cán bộ làm công tác tham mưu về CNTT, chuyển đổi số chỉ thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm (đặc biệt là cấp huyện, cấp xã) nên việc chủ động tham mưu triển khai xây dựng chính quyền số còn chưa kịp thời.
Theo ông Quảng, một khó khăn nữa tạo ra rào cản trong chuyển đổi số chính là “tâm lý truyền thống” của người dân khi làm TTHC. Nhiều người dân vẫn có thói quen trực tiếp đến cơ quan nhà nước để làm các TTHC. Ở một số xã vùng sâu vùng xa, hệ thống hạ tầng phục vụ chuyển đổi số chưa đầy đủ, kỹ năng ứng dụng công nghệ số của đại bộ phận người dân còn thấp.
Để công tác chuyển đổi số được phủ rộng bền vững, tỉnh Quảng Nam đã thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập - được xem là những “cánh tay nối dài” của chính quyền địa phương nhằm hướng dẫn, tuyên truyền đến người dân, hộ gia đình sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các nội dung về chuyển đổi số…
Đầu tư hạ tầng CNTT dùng chung
Trong năm 2023, công tác chuyển đổi số trên địa bàn Quảng Nam tiếp tục được lãnh đạo tỉnh và các cấp các ngành chỉ đạo quyết liệt. Công tác chuyển đổi số ngày càng lan tỏa và được thực hiện đồng bộ, toàn diện trên các ngành, lĩnh vực với 3 trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Về phát triển hạ tầng số: Theo số liệu của Sở TT&TT Quảng Nam đến nay, toàn tỉnh phát triển được 2.112 trạm BTS, đường truyền cáp quang đã kéo đến 100% xã và 96,5% thôn. Tỉnh cũng đã triển khai kết nối với mạng truyền số liệu chuyên dùng đến 100% các xã trên địa bàn...
Tỷ lệ thuê bao điện thoại thông minh toàn tỉnh đạt 76,8%. Sóng thông tin di động 3G, 4G đã phủ sóng cấp xã: 100% (241/241), cấp thôn: 94,8% (1176/1240). 81,8% nhà văn hóa thôn có wifi (1014/1240)...
Hạ tầng CNTT dùng chung của tỉnh đã được đầu tư, nâng cấp. Cụ thể Quảng Nam đã triển khai xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu, trung tâm giám sát an toàn thông tin tỉnh, đảm bảo năng lực triển khai chính quyền số và đô thị thông minh theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây.
Tỉnh đã triển khai thực hiện hệ thống Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) cấp tỉnh và 11 huyện; triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP), hệ thống thông tin báo cáo cấp tỉnh. Ngoài ra, tỉnh đã triển khai các ứng dụng phục vụ người dân như Smart Quảng Nam, 1022 Quảng Nam cho phép người dân dễ dàng tiếp cận các thông tin, thông báo, dịch vụ tiện ích của chính quyền, đồng thời có thể gửi các phản ánh, kiến nghị, khó khăn vướng mắc đến các cơ quan chức năng để được giải quyết.
2 triệu văn bản điện tử được gửi nhận thông suốt
Về triển khai các nền tảng số, ứng dụng dùng chung phục vụ chính quyền số: các ác hệ thống thông tin dùng chung, nền tảng chính quyền số của tỉnh được triển khai tập trung, đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã, góp phần phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo, nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần thực hiện cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh.
Đối với Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp Qoffice: 100% cơ quan hành chính nhà nước ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã duy trì sử dụng hiệu quả Hệ thống quản lý văn bản và điều hành (QOffice) để xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng, đồng thời thực hiện ký số văn bản điện tử, liên thông gửi lên trục liên thông (không gửi văn bản giấy, trừ văn bản mật).
Trong năm 2023, có khoảng gần 2 triệu văn bản điện tử được gửi nhận giữa các cơ quan, đơn vị, đảm bảo thông suốt, kịp thời phục vụ công tác gửi nhận văn bản giữa các đơn vị. Về triển khai hợp nhất hệ thống thông tin một cửa điện tử và cổng DVC của tỉnh: hệ thống đã được các đơn vị Bộ Công an kiểm tra an ninh mạng, cho phép kết nối với CSDL Quốc gia về dân cư để tra cứu thông tin công dân, phục vụ giải quyết TTHC. Tỉnh đã triển khai cung cấp 1.814 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), trong đó có 385 DVCTT mức độ 2; 402 DVCTT một phần; 1.027 DVCTT toàn trình (đạt 56,62%).
Trao đổi với VietNamNet, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu nhìn nhận, sử dụng công nghệ số trong chỉ đạo và điều hành đã giúp tăng cường hiệu suất và hiệu quả trong các quy trình hành chính. Công nghệ số giúp giảm thời gian và chi phí, cũng như tăng cường sự minh bạch và trách nhiệm trong quản lý. Công nghệ số cho phép theo dõi và báo cáo các hoạt động một cách chính xác và minh bạch.
Bên cạnh đó, công nghệ số đã tạo ra các kênh tương tác trực tuyến thuận tiện và hiệu quả, giảm thời gian và chi phí cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính. Việc áp dụng công nghệ số tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và ưu việt cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Các quy trình hành chính được tối ưu hóa và giảm bớt thủ tục hành chính…
“Sử dụng công nghệ số, tỉnh đã cung cấp các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, văn hóa, và giao thông một cách hiệu quả hơn và chất lượng hơn”, Phó Chủ tịch khái quát.
Nguyễn Hiền