Tiết học có sử dụng bảng thông minh của cô và trò Trường THPT Tiên Yên (huyện Tiên Yên).

Thời gian qua Sở GD&ĐT tập trung chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường xây dựng học liệu số (bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác; phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho các môn học). Ngành Giáo dục tỉnh chú trọng khai thác triệt để những phòng học đã được trang bị thiết bị ứng dụng CNTT tiên tiến; tiếp tục bồi dưỡng năng lực khai thác và sử dụng thiết bị cho cán bộ, giáo viên.

Đến nay 100% các cơ sở giáo dục trong tỉnh ứng dụng, triển khai các nền tảng dạy và học trực tuyến. Nhiều đơn vị sử dụng nền tảng phần mềm quản lý học tập (LMS/LCMS) hiệu quả. Tiêu biểu là các trường tiểu học: Trần Quốc Toản, Nguyễn Bá Ngọc (TP Hạ Long), Trần Phú (TP Uông Bí); các trường THCS: Nguyễn Văn Thuộc, Trọng Điểm (TP Hạ Long); các trường THPT: Chuyên Hạ Long (TP Hạ Long), Uông Bí…

100% CBCCVC được tập huấn định kỳ hằng năm, bồi dưỡng về chuyển đổi số, kỹ năng số; trong đó 50% CBCCVC được tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng phân tích, xử lý dữ liệu bằng các công cụ số. 100% các cơ sở có kết nối Internet tốc độ cao, đảm bảo các giao dịch điện tử, trao đổi thông tin, hoạt động giảng dạy, quản lý.

Đến nay 100% các trường từ cấp tiểu học đến THPT trong tỉnh triển khai sổ điểm, học bạ điện tử. 100% học sinh, giáo viên được cập nhật thông tin trên hệ thống quản lý của ngành.

100% các trường có cấp THPT, Trung tâm HN-GDTX tỉnh, các trung tâm GDNN-GDTX sử dụng thông tin được cập nhật trên cơ sở dữ liệu ngành đã xác thực mã định danh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đăng ký xét tuyển cùng với thời điểm đăng ký thi tốt nghiệp THPT.

Tiết học của học sinh Trường Tiểu học Đồng Tâm (huyện Bình Liêu) với những hình ảnh trực quan, sinh động.

11/13 địa phương trong tỉnh thực hiện phương thức tuyển sinh đầu cấp trực tuyến lớp 1, lớp 6 năm học 2024-2025. 100% cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, GDTX sử dụng các phần mềm về quản lý tài chính, tài sản và các phần mềm quản lý khác về BHXH, thuế do các đơn vị có thẩm quyền triển khai.

Cùng với đó, phát triển chính quyền số trong giáo dục, triển khai dịch vụ công trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt được đẩy mạnh. Theo đó, 86,45% số tiền học phí của cơ sở giáo dục ở đô thị, 61,26% số tiền học phí của cơ sở giáo dục ở nông thôn được thanh toán không dùng tiền mặt.

Để việc chuyển đổi số phát huy hiệu quả hơn nữa, thời gian tới Sở GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo tập trung khắc phục kịp thời các tồn tại, hạn chế; đưa thực hiện chuyển đổi số vào tiêu chí thi đua khen thưởng của ngành. Đồng thời ứng dụng hiệu quả CNTT trong công tác quản trị nhà trường, dạy và học.

Đặc biệt, đẩy mạnh và tập trung khai thác có hiệu quả các phần mềm quản lý, điều hành hoạt động dạy và học, quản lý cơ sở vật chất, nhân sự, kế toán tại các cơ sở giáo dục. Phát huy vai trò của các tổ công nghệ số trong trường học trong việc hướng dẫn, hỗ trợ học sinh, phụ huynh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; thúc đẩy, tạo lập hành vi, thói quen sử dụng nền tảng số, công nghệ số trong giáo dục.

Theo Lan Anh (Cổng thông tin điện tử Tỉnh Quảng Ninh)