Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 hướng tới mục tiêu chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.
Tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại địa phương. Công tác này luôn được các cấp chính quyền địa phương và toàn xã hội quan tâm tạo điều kiện để người cao tuổi hưởng đầy đủ chính sách chăm sóc sức khỏe từ gia đình tới cộng đồng, nâng cao chất lượng sống và tích cực phát huy vai trò của họ.
Bác sĩ Nguyễn Quỳnh Thương, Trưởng trạm Y tế phường Hồng Hải (Hạ Long, Quảng Ninh) cho biết trên địa bàn có 4.270 người từ 60 tuổi trở lên. Hằng nằm, trạm y tế phường đều tham mưu cho UBND phường về kế hoạch khám, tư vấn, điều trị và truyền thông sức khỏe cho nhóm người trên.
Trạm y tế phối hợp với Hội Người cao tuổi phường và chi hội tại các khu phố để theo dõi sức khỏe từng người. Những trường hợp không thể di chuyển đến trạm y tế, cán bộ y tế sẽ đến tận gia đình khám, tư vấn và hỗ trợ công tác chăm sóc sức khỏe định kỳ.
Theo bác sĩ Thương, hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại phường diễn ra xuyên suốt từ khám và tư vấn tới truyền thông nâng cao sức khỏe. Trạm y tế này đã xây dựng các kế hoạch tổ chức truyền thông ngày Người cao tuổi 6/6 hay Ngày Quốc tế Người cao tuổi 1/10, duy trì câu lạc bộ người cao tuổi.
Qua các buổi tuyên truyền tại phường, tổ dân phố, trạm y tế sẽ lồng ghép các vấn đề chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Hình thức tuyên truyền có thể trực tiếp hoặc qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở. Từ đó, trong công đồng cũng như từng cá nhân, gia đình có trách nhiệm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Tổ chức các buổi truyền thông nâng cao nhận thức về các bệnh lý ở người già, hướng dẫn tự chăm sóc sức khỏe, kỹ năng phòng bệnh, tạo điều kiện người cao tuổi được theo dõi sức khỏe đình kỳ.
Theo thống kê của Chi cục Dân số kế hoạch hóa gia đình tỉnh Quảng Ninh, đến tháng 9, toàn tỉnh có 225.404 người cao tuổi chiếm hơn 15 % dân số. Tỷ lệ bệnh tật cao từ các bệnh cấp tính, mạn tính, các bệnh đặc thù ở người già. Vì vậy, Quảng Ninh có hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi khá đầy đủ tại các bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế huyện tới trạm y tế xã.
Toàn tỉnh có mạng lưới y tế đầu tư rộng khắp với 8 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, 3 bệnh viện đa khoa tuyến huyện, 13 trung tâm y tế huyện, 177 trạm y tế. Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong cả nước thành lập, xây mới, đưa vào hoạt động Bệnh viện Lão khoa - Phục hồi chức năng tuyến tỉnh.
Bệnh viện được xây dựng với tổng kinh phí gần 429 tỷ đồng, gồm tòa nhà 8 tầng, tổng diện tích sàn hơn 22.000m2 có đầy đủ các phòng chức năng như khu khám bệnh, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, khu điều trị, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng… qua đó, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của NCT.
NCT tại địa phương có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế từ xã tới tỉnh với nhiều hoạt động tư vấn, khám và điều trị bệnh tật.
Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh cũng thường xuyên chỉ đạo các đơn vị đa dạng hóa các hình thức chăm sóc sức khỏe người cao tuổi từ nội trú, ngoại trú, khám chữa bệnh lưu động, khám bệnh miễn phí, khám sàng lọc các bệnh tiểu đường, tăng huyết áp nhằm ngăn ngừa sớm, kiểm soát bệnh tật cho người cao tuổi.
Xác định người cao tuổi phải đối diện với nhiều bệnh tật, bác sĩ chuyên ngành lão khoa phải có nhiều kinh nghiệm. Một người già ngoài các bệnh tim mạch, nội tiết còn có nhóm bệnh riêng, dễ bị tổn thương và nhiều bệnh đồng mắc nên ngành y tế đã tập trung đào tạo và phát triển chuyên môn cho đội ngũ nhân viên y tế chuyên ngành lão khoa từ điều trị tới phục hồi chức năng.
Với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, xã hội, người cao tuổi trên địa bàn Quảng Ninh luôn được quan tâm chăm lo, chăm sóc, bảo vệ, góp phần nâng cao đời sống, phát huy vai trò của họ.