Thu hút dòng vốn FDI chất lượng

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, Quảng Ninh đã hoàn thành lượng lớn mục tiêu cả năm về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), tiếp tục khẳng định là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh, 6 tháng đầu năm, tổng vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Quảng Ninh đạt gần 832,17 triệu USD bằng 69,3% kế hoạch đã đề ra. Trong số đó, tỉnh cấp mới giấy đăng ký đầu tư cho 17 dự án FDI, cao gấp 2,5 lần so với cùng kỳ 2022.

Đáng chú ý, phần nhiều dự án FDI đầu tư ở Quảng Ninh là các "dự án thế hệ mới" - công nghiệp chế biến, chế tạo theo hướng tiên tiến, hiện đại, phát triển xanh, sử dụng ít tài nguyên.

Quảng Ninh tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc nguồn vốn FDI thế hệ mới

Có thể kể đến 2 dự án Nhà máy FECV Foxconn Quảng Ninh và Nhà máy FMMV Foxconn Quảng Ninh của Công ty Foxconn Singapore PTE LTD tại KCN Sông Khoai, thị xã Quảng Yên, với tổng số vốn gần 250 triệu USD. Dự án nhà máy FECV Foxconn Quảng Ninh tập trung sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, sạc điện, bộ điều khiển sạc điện xe điện. Trong khi đó, dự án Nhà máy FMMV Foxconn Quảng Ninh sản xuất, gia công linh kiện, khuôn mẫu linh kiện của sản phẩm công nghệ thông tin và sản phẩm truyền thông.

Bên cạnh việc tiếp tục thu hút vốn FDI từ các nhà đầu tư thuộc thị trường truyền thống, lần đầu tiên tỉnh Quảng Ninh đón nhận dòng vốn của nhà đầu tư đến từ Thụy Điển, góp phần đa dạng đối tác đầu tư của tỉnh, nâng tổng số đối tác đầu tư tại tỉnh từ 19 lên 20 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đây là dự án của Công ty TNHH Autoliv Việt Nam, đầu tư vào KCN Sông Khoai có tổng mức đầu tư 154 triệu USD, sản xuất các sản phẩm an toàn cho ô tô và xe có động cơ khác để xuất khẩu với công suất thiết kế 10 triệu sản phẩm/năm.

“Bến đỗ” cho dòng vốn FDI thế hệ mới

Năm 2023, tỉnh Quảng Ninh chọn chủ đề "Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân". Trong đó đề ra mục tiêu thu hút vốn FDI vào địa bàn KCN, KKT đạt ít nhất 1 tỷ USD, ưu tiên các nhà đầu tư đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Âu… đảm bảo đúng định hướng phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với tiềm năng và lợi thế của tỉnh.

Hướng tới mục tiêu này, Quảng Ninh đã sớm ban hành Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2023 và triển khai xây dựng Đề án thu hút nhà đầu tư FDI lớn, có thương hiệu vào tỉnh. Trong đó tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc nguồn vốn FDI thế hệ mới vào các KCN, KKT, trọng điểm là KKT ven biển Quảng Yên, KKT cửa khẩu Móng Cái; ưu tiên các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, thân thiện môi trường, suất vốn đầu tư cao, đóng góp lớn cho ngân sách. Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh xây dựng các giải pháp, chiến lược xúc tiến đầu tư đối với các tập đoàn kinh tế lớn, có thương hiệu và uy tín.

Năm 2022, Quảng Ninh dẫn đầu bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm thứ 6 liên tiếp

Để hoạt động thu hút đầu tư được thuận lợi, tỉnh đã triển khai loạt các giải pháp: Chủ động cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và hấp dẫn; thực hiện tốt cơ chế “một cửa” trong cấp giấy chứng nhận đầu tư; hỗ trợ nhà đầu tư một cách hiệu quả trong việc cung cấp thông tin liên quan đến dự án đầu tư, hướng dẫn thủ tục đầu tư, xây dựng và triển khai dự án...

Tỉnh cũng đã biên soạn tài liệu giới thiệu môi trường đầu tư và thường xuyên điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án gọi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài qua các thời kỳ làm căn cứ xúc tiến, thu hút đầu tư; quảng bá hình ảnh, marketing, tuyên truyền, giới thiệu về môi trường đầu tư của địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên website, báo, tạp chí; tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư tại nhiều quốc gia. Đồng thời, đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp.

Thời gian qua, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh tiếp tục được đẩy mạnh. Đáng chú ý là các mô hình nhằm quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, như mô hình Ban Quản lý KKT tỉnh, Ban Quản lý KKT Vân Đồn, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA), Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; Cùng sự hỗ trợ tích cực của các tổ công tác đặc biệt như: Investor Care, Tổ công tác hỗ trợ một số dự án trọng điểm của tỉnh, Korea Desk Quảng Ninh…

Năm 2022, Quảng Ninh tiếp tục giữ vị trí quán quân, dẫn đầu bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm thứ 6 liên tiếp, lần thứ 2 (2020 và 2022) chinh phục vị trí dẫn đầu cả nước cả 4 chỉ số cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh (PCI, PAPI, PAR Index, SIPAS) và 10 năm liên tiếp trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước.

Việc duy trì vị trí trong nhóm dẫn đầu về các chỉ số quan trọng về năng lực bộ máy chính quyền trên bảng xếp hạng toàn quốc thời gian qua là nền tảng để tỉnh phát triển bền vững về kinh tế; thực hiện thành công các đột phá chiến lược; tạo lòng tin với nhà đầu tư, doanh nghiệp. Cùng với sự phát triển không ngừng về hạ tầng, lợi thế nguồn nhân lực chất lượng cao, Quảng Ninh tiếp tục duy trì sức hút, là "vùng đất vàng" hấp dẫn “đại bàng về làm tổ”. 

N.Hân