Quảng Ninh đặt mục tiêu trong năm 2023, tỷ lệ dân số trên địa bàn tỉnh tham gia mua sắm qua các kênh trực tuyến đạt 45%; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 35%. Đến năm 2025, sẽ có 55% dân số Quảng Ninh tham gia mua sắm trực tuyến; 50% siêu thị, trung tâm mua sắm, cơ sở phân phối hiện đại, các hộ gia đình và cá nhân sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; doanh số giao dịch thương mại điện tử tăng bình quân 15%/năm...

W-thanh-toan-thach-thao-1.png
Nhiều chợ truyền thống ở Quảng Ninh đang nhân rộng mô hình chợ 4.0-không dùng tiền mặt. 

Năm 2022, UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo triển khai mô hình chợ 4.0 - thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh. Đến nay, 13/13 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, bao gồm 4 thành phố, 2 thị xã và 7 huyện của Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch và ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện.

Với sự hưởng ứng của người dân, mô hình "Chợ 4.0 - chợ không tiền mặt" đã được nhân rộng ra hàng chục địa phương tại Quảng Ninh, thu về những hiệu quả bước đầu tích cực. Chợ Cẩm Đông (TP.Cẩm Phả) đã có 322 gian hàng chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt (đạt 93,33%); chợ Trung tâm TP.Uông Bí đã hoàn thành cấp mã QR thanh toán không dùng tiền mặt cho 499 hộ kinh doanh (tỷ lệ trên 95%).

Trong khi đó, chợ Cái Rồng (huyện Vân Đồn) hoàn thành việc cấp tài khoản thanh toán trực tuyến cho 353 hộ kinh doanh (tỷ lệ 92%); chợ Trung tâm huyện Tiên Yên đã đáp ứng hạ tầng và sẵn sàng cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt cho 100% gian hàng.

Tại chợ Trung tâm TP.Móng Cái, trên 90% các tiểu thương đều có tài khoản ngân hàng và mã QR. Tại đây cũng được trang bị WiFi miễn phí để khách hàng thuận tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Các du khách đến Móng Cái chia sẻ đến chợ không phải mang theo quá nhiều tiền theo người, việc sử dụng mã QR dễ thanh toán hơn, thuận tiện hơn. Trong khi tiểu thương tại các chợ cũng thoát nỗi lo tiền giả, hơn nữa hìn thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng rất thuận tiện trong quản lý dòng tiền.

Mô hình chợ công nghệ 4.0, không dùng tiền mặt tại Quảng Ninh không chỉ được tập trung thực hiện ở địa bàn thành thị mà còn đang phủ rộng đến cả vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh, được nhân dân hưởng ứng và tham gia.

Việc triển khai rộng rãi thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ truyền thống đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp người dân trải nghiệm, tiếp cận và dần hình thành thói quen sử dụng phương thức thanh toán hiện đại không dùng tiền mặt; kích thích hoạt động mua sắm, góp phần xây dựng xã hội số, kinh tế số theo mục tiêu chương trình chuyển đổi số của tỉnh.

Ngọc Tuân và nhóm PV, BTV