Quảng Ninh có chủ trương phát triển kinh tế chuyển dần từ nâu sang xanh, do vậy du lịch dịch vụ và các ngành kinh tế biển thân thiện với môi trường mới là hướng đi của địa phương. Trong đó nuôi biển cũng được định hướng ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi theo hướng công nghiệp và phải tiến ra xa bờ, nhất là các khu vịnh như: Hạ Long hay Bái Tử Long để nhường không gian cho du lịch hay năng lượng tái tạo.

Với bờ biển dài 250km cùng 2 huyện đảo (Cô Tô và Vân Đồn), Quảng Ninh có diện tích mặt biển hơn 6.000km²; trên 43.000ha rừng ngập mặn và bãi triều; trên 32.000ha nuôi trồng thủy sản (NTTS) tức nuôi biển, tập trung ở 8/13 địa phương. Đây được coi là tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản mặt nước và đáy, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân vùng ven biển.

Nhờ những lợi thế do thiên nhiên ưu đãi như vậy nên nghề nuôi biển/NTTS ở Quảng Ninh rất phát triển và là 1 trong những địa phương đi đầu về nuôi biển (tính cả về diện tích lẫn sản lượng). Tuy nhiên, để nuôi biển thì số lượng lồng bè nuôi là rất lớn và áp lực rác thải nhựa, thức ăn chăn nuôi thải ra môi trường cũng vì thế mà tăng theo. Do đó, nuôi biển ở Quảng Ninh đang có sự chuyển dịch từ lồng nuôi cho tới phương thức sản xuất theo hướng bảo vệ môi trường.

long nuoi hdpe.jpg
Lòng nuôi HDPE đang được ứng dụng tại nhiều tỉnh thành ven biển trong đó có Quảng Ninh. 

Quay lại với các lồng nuôi biển tại Quảng Ninh, các loài nuôi khá đa dạng từ cá cho tới nhuyễn thể. Do đó, nghề nuôi biển ở  địa phương này cũng vì thế mà có đủ loại hình lẫn quy mô. Trước đây, người dân thường sử dụng tre, luồng và phao xốp kết làm giàn bè nuôi cá, hầu, hà. Do lợi thế giá rẻ, có độ nổi mặt nước tốt, nhưng độ bền không cao. Thế nên chỉ vài năm đưa vào sử dụng, nhất là khi vào mùa mưa bão, bè xốp bị sóng to, gió lớn đánh vỡ, phao xốp vỡ, cây luồng trôi dạt trên biển, vừa gây thiệt hại về tài sản, vừa gây ô nhiễm môi trường biển.

Đặc biệt, ngay trong khu vực bảo tồn của Vịnh Hạ Long còn có 4 làng chài và nghề nuôi biển. Vì thế, để giải bài toán thay thế phao xốp trong nuôi biển, năm 2020, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong NTTS lợ, mặn trên địa bàn tỉnh (QCĐP số 08:2020/QN). Theo đó, trong 3 năm phải thực hiện chuyển đổi toàn bộ vật liệu lồng bè từ chất liệu cũ sang vật liệu nhựa HDPE thân thiện với môi trường, nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, mưa bão.

Đến nay, gần 7 triệu quả phao xốp của các lồng nuôi biển đã được chuyển đổi. Các khu vực có nhiều lồng nuôi như Xã Hoàng Tân (Thị xã Quảng Yên), huyện Tiên Yên, Hải Hà…giờ đây không chỉ chuyển đổi lồng nuôi mà còn chuyển đổi loài nuôi và nâng quy mô sản xuất theo hướng công nghiệp, đưa nuôi biển trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của các địa phương này.

Ông Trần Mạnh Thắng, Trưởng Phòng kinh tế Thị xã Quảng Yên cho biết: Quảng Yên có bờ biển chạy dài hơn 30km với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, nhiều cửa sông, bãi triều và vùng biển nằm trong vịnh kín và là nơi trú ngụ của nhiều loại hải sản có giá trị cao. Đây là tiềm năng, lợi thế để địa phương phát triển ngành nuôi biển, tạo ra việc làm và thu nhập cho người dân địa phương.

Để hướng đến mục tiêu phát triển nuôi biển trở thành ngành sản xuất hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái, Thị xã Quảng Yên đã xây dựng đề án phát triển nuôi biển đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Mục tiêu đến năm 2025, thị xã sắp xếp lại khoảng 20.000 bè nuôi hàu, hà và có khoảng 66 hộ nuôi cá biển với tổng số khoảng 4.560 ô lồng. Tổng sản lượng nhuyễn thể đạt khoảng 70.000 tấn, cá biển đạt khoảng 1.200 tấn.

Có thể thấy rõ, nuôi biển đã và đang là sinh kế của hàng nghìn ngư dân trên vùng biển của địa phương từ nhiều năm qua. Hiện, địa phương đang tích cực vận động người dân chuyển đổi nốt những phao xốp cũ sang phao nhựa đạt quy chuẩn. Được biết, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành gần như 100% việc chuyển đổi mô hình lồng nuôi biển từ vật liệu cũ sang vật liệu nhựa HDPE thân thiện môi trường.

Bạt Tuấn và nhóm PV, BTV