Theo kế hoạch triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, bắt đầu từ tháng 5/2022, các huyện, thị xã, thành phố lựa chọn 2 xã, phường hoặc thị trấn để thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng. Trong đó, mỗi đơn vị cấp xã thành lập 1 Tổ công nghệ số cấp xã; mỗi đơn vị cấp xã lựa chọn 2 thôn, mỗi thôn thành lập 1 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn.

cong nghe so quang tri.jpg
Công an Quảng Trị hướng dẫn người dân cài đặt, kích hoạt và sử dụng tài khoản định danh điện tử VneID.

Mỗi tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã có 5 thành viên; cấp thôn từ 5 - 8 thành viên. Các tổ triển khai quản lý, điều hành hoạt động của tổ thông qua lập nhóm chung bằng ứng dụng Zalo. Các tổ này có nhiệm vụ đưa nền tảng công nghệ số, kỹ năng số đến người dân; thông tin, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số đến các hộ gia đình, người dân trong thôn, bản, khu phố; hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, sử dụng các dịch vụ số và tương tác với chính quyền qua các nền tảng số được đánh giá và lựa chọn.

Đồng thời, hướng dẫn doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân trên địa bàn đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử, mở tài khoản thanh toán điện tử, hướng dẫn người dân sử dụng nền tảng số, công nghệ số để đăng ảnh, quảng bá sản phẩm, tạo gian hàng, nhận đơn, đóng gói sản phẩm và quan trọng nhất là cam kết cung cấp sản phẩm đúng chất lượng cho khách hàng; hướng dẫn ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch... thông qua các nền tảng số.

Như vậy, sau hơn 1 năm triển khai, tính đến tháng 9/2023, tỉnh Quảng Trị đã thành lập được 115 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã; 715 tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn; với 4327 thành viên tham gia.

Dù mới đi vào hoạt động được gần một năm nhưng các tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả tích cực, được xem là những “cánh tay nối dài” của ban chỉ đạo chuyển đổi số các cấp, là giải pháp quan trọng phát huy sức mạnh của toàn dân tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

Tại thị xã Quảng Trị, đến nay đã thành lập ban chỉ đạo chuyển đổi số thị xã và 5 ban chỉ đạo chuyển đổi số phường, xã, 6 tổ công nghệ số cộng đồng khu phố, thôn. Qua đó góp phần chuyển biến tích cực nhận thức về chuyển đổi số của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin thiết yếu phục vụ chuyển đổi số được chú trọng đầu tư, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp và giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, người dân.

Sau hơn 1 năm hướng dẫn triển khai thành lập tổ công nghệ số cộng đồng (tháng 6/2022), đến nay toàn huyện Đakrông đã thành lập được 13 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã và 71 tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn gồm 532 thành viên tham gia với nòng cốt là đoàn thanh niên. Các tổ công nghệ số cộng đồng đều thành lập nhóm zalo theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông để hoạt động.

Các tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn huyện đã và đang thực hiện hoạt động thông tin, tuyên truyền sâu rộng những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số đến các hộ gia đình, người dân.

Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng các nền tảng số, ứng dụng số cơ bản như: định danh điện tử cá nhân, bảo hiểm xã hội, sổ sức khỏe điện tử, tài khoản mobile money, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên cổng dịch vụ công của tỉnh, quốc gia, để tương tác với chính quyền và tạo nhóm mạng xã hội để hỗ trợ, tương tác, hướng dẫn thường xuyên.

Tại huyện Cam Lộ, đến nay toàn huyện đã thành lập được 91 tổ công nghệ số cộng đồng với tổng số 565 thành viên, trong đó có 8 tổ cấp xã và 83 tổ công nghệ số cộng đồng ở các thôn, khu phố. Các tổ công nghệ số cộng đồng đều thành lập nhóm zalo và đang thực hiện hoạt động thông tin, tuyên truyền sâu rộng những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số đến các hộ gia đình, người dân. 

Bên cạnh đó, các tổ công nghệ số cộng đồng thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng các nền tảng số, ứng dụng số cơ bản như: định danh điện tử cá nhân, bảo hiểm xã hội, sổ sức khỏe điện tử, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên cổng dịch vụ công của tỉnh, quốc gia, để tương tác với chính quyền và tạo nhóm mạng xã hội để hỗ trợ, tương tác, hướng dẫn thường xuyên.

Đặc biệt, các tổ công nghệ số cộng đồng chính là cầu nối tăng cường tính tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với các cấp chính quyền, tạo môi trường minh bạch, thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Nhờ đó, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công mức độ 3 toàn huyện đạt 98,5%, trong đó cấp huyện đạt 100%, cấp xã đạt 98,5%; mức độ 4 đạt 97,3%, cấp huyện đạt 100%, cấp xã đạt 97,2%; tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến qua Cổng dịch vụ công Quốc gia đạt 42,8%, vượt 30% so với chỉ tiêu được giao. 

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đối số tỉnh Nguyễn Văn Tường cho biết, năm 2023, chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị xếp thứ 55 và tăng 2 bậc so với năm 2022; trong đó chính quyền số xếp thứ 55, kinh tế số xếp thứ 51 và xã hội số xếp thứ 54. Tỉ trọng kinh tế số trên GRDP của tỉnh ước đạt 9,03% và đứng vị trí thứ 26 trên toàn quốc.

Trong đó, 100% các sở, ban ngành và địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, trong đó người đứng đầu các địa phương, đơn vị là trưởng các Ban Chỉ đạo chuyển đổi số. 99,53% dân số trưởng thành của tỉnh có điện thoại thông minh với 95.22% hộ gia đình có người có điện thoại thông minh; tỉ lệ hộ gia đình có kết nối Internet băng rộng cáp quang ước đạt 80,51%; 100% các cơ quan nhà nước có kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng.

Đình Thành và nhóm PV, BTV