Xẻ rừng, bạt núi làm dự án trăm tỷ
Phản ánh đến PV VietNamNet, một số người dân xã Vĩnh Ô (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) cho biết, thời gian qua, họ khá bất ngờ khi có nhiều đơn vị thi công đưa máy móc, thiết bị vào thực hiện dự án trên địa bàn.
Tìm hiểu của PV, dự án đường nối đường Hồ Chí Minh nhánh Đông kết nối đường Hồ Chí Minh nhánh Tây được HĐND tỉnh Quảng Trị thông qua tại Nghị quyết số 59 ngày 12/5/2021.
Dự án với mục tiêu phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, tiếp tế lương thực khi thiên tai bão lũ, phục vụ công tác quản lý, phòng chống cháy rừng khu vực huyện Vĩnh Linh, Gio Linh.
Dự án do Sở GTVT tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư. Trong giai đoạn 1, sẽ đầu tư tuyến đường với chiều dài hơn 21km, tổng mức đầu tư gần 230 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ 100 tỷ đồng
Theo thiết kế, dự án có điểm đầu từ Km0 tại xã Vĩnh Ô (huyện Vĩnh Linh) đến Km21 tại xã Hướng Lập (huyện Hướng Hóa) đi qua khoảng 12ha rừng sản xuất, rừng tự nhiên và rừng đặc dụng.
Trong giai đoạn này, tỉnh Quảng Trị ưu tiên triển khai xây dựng 15km, từ Km0 đến Km15, đi qua rừng sản xuất và rừng tự nhiên.
Điều đáng nói, tại thời điểm hiện tại, khi cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đang hoàn thiện thủ tục, trình Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích rừng thì trên thực tế, dự án đã được triển khai khá ồ ạt.
Cụ thể, tại khu vực đầu tuyến nằm gần trung tâm xã Vĩnh Ô, các đơn vị thi công tập trung nhiều máy móc, vật liệu. Bên cạnh đó, một phần lớn diện tích rừng sản xuất tiếp giáp với rừng tự nhiên đã bị máy móc đào xới, san ủi.
Nóng lòng giải ngân vốn
Ông Đoàn Văn Phi, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Vĩnh Linh xác nhận, cách đây không lâu, đơn vị phát hiện sự việc và phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, lập biên bản hiện trường trước sự chứng kiến của đại diện các nhà thầu thi công.
Thời điểm kiểm tra, lực lượng kiểm lâm xác định các nhà thầu đã thi công ở nhiều vị trí với tổng chiều dài khoảng 2km.
Tại các vị trí đang thi công, hầu hết là diện tích rừng trồng và đất quy hoạch lâm nghiệp của các hộ dân trong phạm vi diện tích tuyến đường đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, thời điểm kiểm tra, các đơn vị liên quan không cung cấp được văn bản của cấp có thẩm quyền liên quan đến quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và chưa có quyết định phê duyệt phương án trồng rừng thay thế hoặc phê chuẩn nộp tiền trồng rừng thay thế.
Theo ông Phi, về nguyên tắc, khi chưa hoàn thiện tất cả hồ sơ, thủ tục thì không được thi công dự án.
“Dự án đi qua rừng trồng và rừng tự nhiên. Hiện nay, về diện tích rừng tự nhiên, đơn vị thi công chưa động vào, còn rừng sản xuất của dân thì họ đã thỏa thuận với người dân và tiến hành đền bù, khai thác để giao đất.
Nhưng về nguyên tắc, dù có khai thác gì thì đất đó phải được chuyển đổi mục đích đã, sau đó mới được thi công. Dự án này có ảnh hưởng đến diện tích rừng tự nhiên nên việc chuyển đổi thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ”, ông Phi nói.
Cũng theo Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Vĩnh Linh, sự việc đã được đơn vị báo cáo cấp trên nhưng đến nay chưa nhận được chỉ đạo. Trong khi đó, sau khi lập biên bản, các nhà thầu vẫn không chấp hành, triển khai thi công buộc kiểm lâm Vĩnh Linh vẫn phải bố trí lực lượng hàng ngày túc trực tại xã Vĩnh Ô để có phương án xử lý.
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Trần Hữu Hùng, Giám đốc sở GTVT tỉnh Quảng Trị thừa nhận, Sở (chủ đầu tư-PV) đã cho phép các nhà thầu tiến hành thi công dự án khi chưa hoàn thiện thủ tục là sai.
Theo ông Hùng, hiện dự án được tách ra làm hai phần, một phần là rừng sản xuất, một phần là rừng tự nhiên. Trong đó, về rừng sản xuất, thẩm quyền thẩm định và phê duyệt quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng thuộc HĐND tỉnh, chuyển đổi rừng tự nhiên thì thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
“Khu vực các nhà thầu đang thi công là rừng sản xuất, mặc dù chưa hoàn thiện thủ tục chuyển đổi nhưng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đã xong nên chúng tôi đồng ý cho nhà thầu thi công, còn phần dự án đi qua 5km rừng tự nhiên thì chưa được đụng vào.
Việc này rõ ràng là chưa đúng. Tuy nhiên, do dự án phải hoàn thành trước tháng 5/2024, thời gian không còn nhiều và chuẩn bị mùa mưa bão nữa, nên chúng tôi buộc phải làm. Nếu làm không kịp, dự án chậm tiến độ sẽ bị cắt nguồn vốn từ Trung ương hỗ trợ”, ông Hùng chia sẻ.