Antigua và Barbuda tuyên bố độc lập vào năm 1981. Ảnh: NDTV

Hãng tin CNN dẫn lời Thủ tướng của Antigua và Barbuda, ông Gaston Browne nói: "Đó là vấn đề cần trưng cầu dân ý để người dân quyết định. Nó không phải là hành động thù địch giữa Antigua và Barbuda với chế độ quân chủ, song đó là bước cuối cùng để hoàn tất vòng tròn độc lập, để đảm bảo rằng chúng ta thực sự là một quốc gia có chủ quyền". 

Nhà lãnh đạo này cho biết, cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra trong ba năm tới. Quốc đảo Caribbe này đã giành độc lập từ Anh vào năm 1981 song vẫn là một trong số 14 quốc gia mà người đứng đầu hoàng gia Anh giữ vai trò nguyên thủ quốc gia của họ. Antigua và Barbuda cũng là thành viên của Khối Thịnh vượng chung, một tổ chức gồm 56 quốc gia, chủ yếu là lãnh thổ cũ của Anh. 

Antigua và Barbuda đã xác nhận Vua Charles III là Vua của nước này vào cuối tuần trước. Vai trò của Vua Charles hầu như chỉ mang tính biểu tượng song sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth đã làm các cuộc thảo luận sôi nổi trở lại. Đó là các cuộc thảo luận về tác động của chế độ đế quốc Anh và mối quan hệ trong tương lai giữa Vương quốc Anh và một số quốc gia. 

Theo dữ liệu chính thức, Antigua và Barbuda có số dân chưa tới 100.000 người. Tháng 11/2021, Barbados đã cắt mối ràng buộc với hoàng gia Anh, không còn công nhận Nữ hoàng Elizabeth là người đứng đầu đất nước và tuyên bố trở thành một nước cộng hòa. Tuy nhiên, Barbados vẫn là một quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung. Hiện, đảng cầm quyền ở Jamaica cũng đang cân nhắc tiếp bước Barbados.