Quốc hội phải là nơi kiểm định, nơi chỉ ra những khiếm khuyết của chính phủ, của thành viên chính phủ trong điều hành phát triển.

Quốc hội Khóa XIV sắp khai mạc. Trong 13 khóa vừa qua nước ta đã có 05 bản Hiến pháp được Quốc hội (QH) thông qua. Đó là hiến pháp: 1946, 1959, 1980, 1992 và hiến pháp mới nhất được kỳ họp thứ 06 (Khóa XIII) thông qua ngày 28/11/2013.

Nguy cơ chệch hướng

Nhìn vào Hiến pháp sẽ thấy được xu hướng phát triển và đổi mới của đất nước diễn ra như thế nào.

Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, thay mặt nhân dân quyết định các vấn đề liên quan đến lợi ích của cả đất nước, là đại diện và bảo vệ lợi ích của cử tri, và giám sát việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- XH của chính phủ.

Nước Việt Nam từ khi có Tuyên ngôn độc lập của Bác đã có hơn 70 năm tồn tại và phát triển. Nếu tính từ khi hòa bình thống nhất cũng đã có hơn 40 năm, song công bằng mà nói, trước yêu cầu hội nhập văn minh, nền kinh tế của Việt Nam so với thế giới đã tụt hậu khá xa. Chỉ so sánh với một số nước châu Á, đã thấy rất rõ. Hàn Quốc 30 xây dựng bình quân đầu người lúc đầu 100 USD, sau 30 năm đạt 10.000 USD Còn Việt Nam ta cũng sau hơn 30 năm từ 100 USD lên được 2000 USD.

Cũng bằng thời gian ấy chỉ trong 30 năm- được coi như một thế hệ- Nhật Bản từ nước bại trận vươn lên nền kinh tế thứ nhì thế giới. Singapore từ thế giới thứ ba bước vào hàng các nước phát triển, nhiều nước Đông Á trở thành những “con rồng nhỏ”.

Quốc hội là nơi thông qua thể chế chính trị (Hiến pháp), thông qua bộ máy của chính phủ, nhưng nhìn lại trong những năm qua thể chế chính trị của ta, nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- đổi mới chính trị không tương xứng với đổi mới kinh tế, lạc hậu hơn so với đổi mới kinh tế: “Quá trình xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN còn chậm, chưa theo kịp yêu cầu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế”.

{keywords}

Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, thay mặt nhân dân quyết định các vấn đề. Ảnh minh họa: VnEconomy

Điều nguy hiểm hơn đó là sự biến tướng, là sự chệch hướng mà nói như các nhà lý luận, có nguy cơ rơi vào chủ nghĩa tư bản thân hữu (CNTB thân hữu).

Thật ra CNTB thân hữu là CNTB lũng đoạn nhà nước. Về nguyên lý, đó là sự cấu kết chặt chẽ giữa những ông trùm kinh tế với các thành viên nắm quyền và kiểm soát quốc gia đó. Chúng câu kết để hòng chiếm đoạt tài nguyên của đất nước, tài sản của nhân dân. Các chính sách đều phục vụ chủ trương thâu tóm nguồn lực ấy.

Vì thế nhà nước tư bản lũng đoạn ngày càng cồng kềnh, quan liêu, số lượng nhân viên tăng lên chưa từng thấy, đặc biệt là bộ máy hành pháp. Quyền lực ngày càng được chuyển từ lĩnh vực kinh tế, chính trị sang lĩnh vực hành chính. Các cơ quan công cụ như quân đội, cảnh sát, tình báo, nhà tù được tăng cường đến mức tối đa để phục vụ cho cái tập đoàn ấy.

Ở ta tuy chưa phải là mức độ nghiêm trọng nhưng nguy cơ chệch hướng là có thật như Đảng ta đã cảnh báo.

Trong chức năng hoạt động của Chính phủ, chưa tách chức năng quản lý nhà nước với làm kinh tế. Nhiều bộ ngành còn nhiều công ty, tổng công ty, mang trong lòng nó nhiều doanh nghiệp mà ta gọi là doanh nghiệp nhà nước. Chính điều này đã trở thành mảnh đất cho sự biến tướng làm ăn không minh bạch.

Hiện tượng liên thông nhân sự, ưu tiên vốn, vật tư nguồn lực, bố trí con cái dòng họ…rất phổ biến. Cũng từ đó họ tha hồ nhào nặn, đưa người thân họ hàng cánh hẩu vào. Thông qua các doanh nghiệp sân sau, rồi đưa vào bộ máy. Và cũng từ thân quen, “lợi ích nhóm”, họ đưa người vào lãnh đạo các doanh nghiệp. Một vòng tròn khép kín để tự tung tự tác, để chiếm đoạt biến tướng tài sản của công…Và tệ con ông cháu cha cũng sinh ra từ đó.

Giám sát thế nào?

Dư luận vừa qua xì xào về cách điều chuyển bố trí nhân sự của các bộ với công ty của mình quản lý là một ví dụ. Đó chính là sự thăng hoa của “lợi ích nhóm”. Hay chính sách thu hồi đất đai, kẽ hở để lợi ích nhóm phát triển. Chính vì  điều đó vừa qua, QH đã phải điều chỉnh lại chính sách thu hồi đất. Vậy QH là cơ quan người giám sát thì giám sát thế nào, có giám sát đựợc không?

Những năm qua hoạt động của QH có nhiều đổi mới, những phiên chất vấn các thành viên chính phủ, những cuộc thảo luận công khai về tình hình kinh tế xã hội và gần đây là lấy phiếu tín nhiệm đã được dư luận chú ý.

Chất lượng phát triển của quốc gia ở góc độ nào đó phụ thuộc vào chất lượng đại biểu của QH. Không kiểm soát được quyền lực thì không thể nói QH hoàn thành nhiệm vụ. Quốc hội phải là nơi kiểm định, nơi chỉ ra những khiếm khuyết của chính phủ, của thành viên chính phủ. Quyền của QH còn là bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ, các thành viên chính phủ.

Nước Việt chỉ một Đảng cầm quyền. Quốc hội là cơ quan tối cao thay mặt dân để giám sát. Hàng năm Chính phủ đều có báo cáo kết quả điều hành trước QH và được QH thẩm định. Tuy nhiên một thời gian dài mô hình các tổng công ty hoạt động làm ăn không hiệu quả, thua lỗ, việc nhập công nghệ lạc hậu, đầu tư dàn trải lãng phí, mà QH không biết.

Chúng ta vẫn được nghe sau báo cáo của Chính phủ về một vấn đề nào đó thì bên QH có báo cáo thẩm tra. Vậy những năm qua có những sai phạm của chính phủ, QH thẩm tra, giám sát thế nào?

Quốc hội có quyền dừng lại không thông qua những kế hoạch, những công trình, thậm chí cả những đường hướng phát triển không đúng xu thế, trái qui luật, bỏ phiếu bất tín nhiệm những thành viên trong chính phủ có sai phạm, làm đất nước chậm phát triển. Vậy những quyền đó đã thực hiện ra sao?

Sự đổi mới hoạt động của QH phải gắn với sự phát triển của đất nước. Tất cả công tác làm luật, tất cả nhiệm vụ giám sát… cũng chỉ nhằm mục đích để đất nước phát triển, và ngược lại đất nước chưa phát triển cũng là trách nhiệm của QH.

Thực tiễn đó cho thấy QH phải hoạt động tương xứng hơn nữa với vai trò đại diện tiếng nói của người dân, thực hiện dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.

 Quỳnh Mai,Kim Duyên