Tại họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV vào chiều 3/1, báo chí đặt hàng loạt câu hỏi liên quan đến công tác nhân sự.

“Vừa qua, Trung ương đã quyết định cho Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thôi giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thôi giữ chức vụ Ủy viên Trung ương Đảng và cho ý kiến nhân sự để trình Quốc hội làm quy trình phê chuẩn bổ nhiệm người thay thế chức vụ Phó Thủ tướng. Xin hỏi, tại kỳ họp bất thường này, Quốc hội có làm thủ tục miễn nhiệm 2 ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam và phê chuẩn bổ nhiệm 2 nhân sự thay thế hay không?", báo Thanh Niên hỏi.

Trả lời, Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh khẳng định, công tác nhân sự là một nội dung quan trọng nằm trong chức năng của Quốc hội về quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Theo bà Thanh, qua nhiều nhiệm kỳ Quốc hội và nhiệm kỳ này, đầu nhiệm kỳ, công tác nhân sự bao giờ cũng là nội dung quan trọng.

Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thưởng vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh 

"Tại kỳ họp bất thường lần này, Quốc hội sẽ xem xét 3 nội dung về công tác nhân sự gồm: Cho thôi nhiệm vụ đại biểu; phê chuẩn miễn nhiệm nhân sự; phê chuẩn bổ nhiệm theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ đối với các nhân sự mới", bà Thanh nói.

Bà Thanh cũng cho biết, nội dung nhân sự sẽ được tiến hành từ cuối giờ sáng ngày 5/1 và sẽ kết thúc vào chiều 5/1 - ngày khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 2 Quốc hội khóa XV.

Chiều ngày 4/1, tại phiên họp trù bị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới chính thức trình Quốc hội nội dung chương trình kỳ họp bất thường thứ 2, trong đó có nội dung về nhân sự nói trên. 

"Công tác nhân sự cũng là công việc thường xuyên, công tác cán bộ là việc làm rất hệ trọng, Tổng Bí thư cũng nhắc nhiều lần đến việc tổng kết công tác cán bộ, đây là công tác then chốt của then chốt", bà Thanh nhấn mạnh.

Do vậy, việc lựa chọn nhân sự để bố trí, hoặc kịp thời thay thế các vị trí, chúng ta cũng phải dần làm quen với việc diễn ra bình thường, việc phát hiện nhân tài bố trí sử dụng cán bộ để đảm bảo gánh vác công việc chung của đất nước của từng cơ quan; việc thay thế kịp thời đối với nhân sự không đảm bảo cũng là việc thường xuyên của Đảng.

Bà Thanh nhắc đến Nghị quyết 28 Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới nêu rõ quan điểm: “Kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm; kiên trì thực hiện "có vào, có ra, có lên, có xuống" trong công tác cán bộ”.

Đồng thời, Đảng cũng có chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Kết luận 20 của Bộ Chính trị cũng khuyến khích cán bộ thấy rằng nếu mình không đảm bảo điều kiện thực hiện nhiệm vụ, thực hiện tinh thần nêu gương, thấy mình không đủ điều kiện từ sức khỏe đến lý do khác, mà thấy rằng không thực hiện được nhiệm vụ một cách xuất sắc thì khuyến khích làm đơn xin thôi, giữ các trọng trách, nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ của đại biểu.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định 5 nội dung tại kỳ họp bất thường lần thứ hai Quốc hội khóa XV.

Thứ nhất, quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thứ hai, dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Thứ ba, tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 nghị quyết 30; xem xét, quyết định việc tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại nghị quyết 30 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật dược.

Thứ tư, một số vấn đề về tài chính, ngân sách (gồm việc điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; việc bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021; điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương).

Thứ năm, về công tác nhân sự đại biểu và nhân sự khác (nếu có).