Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương vào sáng 3/1, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh trình bày báo cáo về công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; tình hình và kết quả kinh tế-xã hội năm 2022; phương hướng và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.

Tăng trưởng GDP đạt 8,02%, mức cao nhất trong hơn 10 năm qua

Phó Thủ tướng cho biết, nhờ sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, tình hình kinh tế-xã hội phục hồi tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; trong 15 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu, có 13 chỉ tiêu đạt và vượt, 1 chỉ tiêu xấp xỉ đạt, 1 chỉ tiêu không đạt.

Trong đó, Chính phủ chủ động, linh hoạt, kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Những giải pháp linh hoạt, kịp thời, đúng thời điểm của Chính phủ đã góp phần giữ vững sự ổn định trong điều kiện bất định, giữ thế chủ động trước những diễn biến phức tạp, khó lường, tạo động lực thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

Nhờ đó, tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm tăng 3,15%; tăng trưởng GDP đạt 8,02%, mức cao nhất trong hơn 10 năm qua; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm...

Những trọng tâm điều hành của Chính phủ trong năm 2022 - Ảnh 1.

Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương vào sáng 3/1. Ảnh: Nhật Bắc

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phát triển du lịch, trong năm qua đã thu hút trên 102 triệu lượt khách trong nước và 3,7 triệu lượt khách quốc tế. Nhiều mô hình, phương thức kinh doanh mới được phát triển, thương mại điện tử tăng gần 20% so với cùng kỳ. 

Cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ nhiều công trình, dự án hạ tầng quan trọng quốc gia; ưu tiên bố trí vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, miền núi phía bắc, khu kinh tế động lực...

Cả nước đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 310 km đường bộ cao tốc, thông xe kỹ thuật 255 km; khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 (chuẩn bị triển khai trên toàn tuyến vào quý I năm 2023 và nhiều tuyến cao tốc liên kết vùng), dự án cầu Rạch Miễu 2, Đường vành đai phía tây TP. Cần Thơ, Nhà ga T3 Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng Hàng không Điện Biên…

Chính phủ đã rà soát, chấn chỉnh, có giải pháp xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn ODA, chống lãng phí, thất thoát, tham nhũng.

Chính phủ đã trình cấp có thẩm quyền phương án xử lý 8/12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả; tập trung chấn chỉnh, xử lý sai phạm, tháo gỡ vướng mắc cho các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản; thúc đẩy phát triển thị trường lao động; cơ bản giải quyết tình trạng thiếu hụt xăng, dầu cục bộ thời gian qua.

Phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 53 nghìn tỷ đồng, 8.241 ha đất

Một nội dung nữa cũng được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên trong hệ thống hành chính nhà nước được chỉ đạo quyết liệt.

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân. Qua thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 53 nghìn tỷ đồng, 8.241 ha đất. 

Bên cạnh đó, Chính phủ tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và trách nhiệm của người đứng đầu. Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của các bộ, ngành, địa phương gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Những trọng tâm điều hành của Chính phủ trong năm 2022 - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh. Ảnh: Nhật Bắc

Chính phủ đã ban hành 23 nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan, đã cắt giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương, 8 cục, 145 vụ/ban (thuộc bộ và tổng cục); giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập.

Chuyển đổi số quốc gia được triển khai một cách sâu rộng, thực chất; đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, đặc biệt là thúc đẩy triển khai Đề án 06 trên toàn quốc.

Đến nay, đã cấp gần 77 triệu căn cước công dân gắp chíp điện tử cho công dân; kích hoạt gần 2,6 triệu tài khoản định danh điện tử; xác định thông tin chính xác của gần 50 triệu thuê bao di động. Chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) của Việt Nam xếp hạng 55 toàn cầu (tăng 7 bậc so với với năm 2021).

Trong năm qua, các lực lượng chủ động nắm chắc tình hình, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, không để bị động, bất ngờ, không để hình thành các tổ chức chính trị đối lập trong nội địa.

Đồng thời, triển khai nhiều giải pháp kiểm soát, hạn chế, ngăn chặn, gỡ bỏ kịp thời thông tin giả, xấu, độc hại, phản cảm, chống phá Đảng, Nhà nước, gây bất ổn xã hội; xử lý nghiêm các sai phạm.

Năm 2022, kinh tế-xã hội phục hồi tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng