Thông tư 01 của Viện KSND tối cao quy định về việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cách chức Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra thuộc Cơ quan điều tra của Viện KSND tối cao. Thông tư này có hiệu lực từ 1/6.

Trình tự, thủ tục bổ nhiệm Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đối với nguồn nhân sự tại chỗ, với quy trình nhân sự gồm 5 bước.

Bước 1, hội nghị Ban Thường vụ Đảng ủy và tập thể lãnh đạo (lần 1); Bước 2, hội nghị Ban Thường vụ Đảng ủy và tập thể lãnh đạo mở rộng; Bước 3, hội nghị Ban Thường vụ Đảng ủy và tập thể lãnh đạo (lần 2); Bước 4, hội nghị cán bộ chủ chốt của Cơ quan điều tra; Bước 5 ,hội nghị Ban Thường vụ Đảng ủy và tập thể lãnh đạo (lần 3).

Từng hội nghị chỉ được tiến hành khi có ít nhất 2/3 số người được triệu tập có mặt. Nếu nhân sự được giới thiệu có ý kiến xin rút không thực hiện quy trình bổ nhiệm ở bước nào thì lãnh đạo, Ban Thường vụ Đảng ủy Cơ quan điều tra xem xét, quyết định ở bước đó tại hội nghị.

Thông tư cũng nêu về các trường hợp miễn nhiệm Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra gồm: Có 2 năm liên tiếp bị xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ; bị xử lý kỷ luật chưa đến mức cách chức nhưng do yêu cầu nhiệm vụ công tác cần phải thay thế;

Bị kỷ luật khiển trách 2 lần trở lên trong cùng một nhiệm kỳ hoặc trong thời hạn bổ nhiệm; bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng uy tín giảm sút không thể đảm nhiệm chức vụ được giao; có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên tại kỳ lấy phiếu theo quy định;

Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và cơ quan, đơn vị nơi đang công tác; bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm tiêu chuẩn chính trị theo quy định về bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng đến mức phải miễn nhiệm.

Siết quy định số lượt chuyến để hạn chế xe khách bỏ bến

Nghị định số 41 của Chính phủ liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô, dịch vụ đào tạo lái ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe, có hiệu lực từ 1/6.

Trước đây doanh nghiệp, hợp tác xã bị đình chỉ khai thác tuyến và phải nộp lại phù hiệu cho cơ quan cấp khi doanh nghiệp, hợp tác xã không hoạt động kinh doanh vận tải trên tuyến trong thời gian 60 ngày liên tục. Với nghị định 41, doanh nghiệp, hợp tác xã bị thu hồi đăng ký khai thác tuyến đối với lốt (tài) đang khai thác khi trong một tháng thực hiện dưới 70% tổng số chuyến xe của lốt đã đăng ký.

ben xe mien dong khoc rong vi ket xe cao toc long thanh dip tet.jpeg
Hình ảnh bến xe tại TP.HCM: Ảnh: Tuấn Kiệt

Theo Cục Đường bộ Việt Nam, việc sửa đổi nhằm đảm bảo các đơn vị vận tải có trách nhiệm cung cấp dịch vụ theo đúng phương án chạy xe đã đăng ký, hạn chế việc chỉ đăng ký để giữ chỗ nhưng không hoạt động.

Đồng thời, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải khác chủ động theo dõi, đăng ký lốt kịp thời khi trên tuyến có lốt bị thu hồi. Đảm bảo các lốt tại bến xe được khai thác hết công suất, đáp ứng nhu cầu vận tải của hành khách.

Tiêu chuẩn xét thăng hạng giảng viên đại học

Thông tư 05 của Bộ GD&ĐT về tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập và trường cao đẳng sư phạm có hiệu lực từ 1/6.

Điều kiện, tiêu chuẩn xét thăng hạng chức danh giảng viên chính hạng II gồm: Cơ sở giáo dục đại học công lập có nhu cầu, có vị trí việc làm còn thiếu phù hợp. Được cấp có thẩm quyền cử xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Đang giữ chức danh giảng viên hạng III.

Trong năm công tác liền kề trước năm dự xét thăng hạng, giảng viên được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt, không trong thời hạn kỷ luật và thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật.

Có thời gian giữ chức danh giảng viên hạng III tối thiểu, đáp ứng tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ…