Quy Nhơn định hướng thành khu đô thị đa chức năng đầu tiên của cả nước

Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu, Bình Định trở thành trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của Việt Nam. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ là động lực, chủ động tận dụng tốt nhất cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đưa Bình Định trở thành một trong những điểm đến, nơi hội tụ của các nhà khoa học, trung tâm về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Hữu Hà - Phó Giám đốc Sở KH&CN Bình Định cho biết, hiện nay, đề án phát triển “Khu Đô thị Khoa học Quy Hòa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” đã xây dựng và đang được triển khai tại Bình Định nhằm đưa Quy Nhơn trở thành khu đô thị đa chức năng đầu tiên của cả nước.

Dự án Khu đô thị Khoa học Quy Hòa dự kiến nằm trong khu vực 2, phường Ghềnh Ráng, TP. Quy Nhơn trên tổng diện tích 242ha. Dự án sẽ được phân thành 4 khu chức năng: 

Khu nghiên cứu và phổ biến khoa học, dùng để nghiên cứu khoa học, tập trung vào các ngành phục vụ công nghệ cao và các lĩnh vực ưu tiên khác, phổ biến và giáo dục khoa học cho công chúng. Khu này gồm có ICISE, Khu tổ hợp không gian khoa học, Viện nghiên cứu khoa học cơ bản quốc tế Quy Nhơn, Khu đào tạo chất lượng cao. 

Khu Thung lũng sáng tạo, bao gồm các công viên phần mềm, các công ty sản xuất và cung ứng dịch vụ công nghệ thông tin trong và ngoài nước, làng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Khu đô thị khoa học, bao gồm khu dân cư và các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu nhà ở cho chuyên gia và người lao động làm việc tại đây. 

Khu thương mại dịch vụ gồm các công trình dịch vụ phục vụ cho Khu đô thị Khoa học. Đây là nơi xây dựng các công trình thương mại và dịch vụ cho các nhu cầu của cư dân thuộc khu đô thị. Khu vực này đã thu hút được các tập đoàn, đơn vị đến hoạt động như: Tập phần mềm TMA Solutions, FPT Software, Trung tâm tâm quốc tế Khoa học và giáo dục liên ngành, Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo.

Dự án Khu đô thị Khoa học Quy Hòa là dự án thí điểm xây dựng và phát triển một khu đô thị khoa học đầu tiên của cả nước tại Bình Định mang tầm quốc gia, quốc tế.

“Với dự án có tính chất tạo động lực, làm cốt lõi này, Quy Nhơn sẽ trở thành một khu đô thị đa chức năng giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển KT-XH của miền Trung - Tây Nguyên và cả nước và là một thành phố khoa học hàng đầu của Việt Nam, nơi giao lưu của các nhà khoa học danh tiếng thế giới”, Phó Giám đốc Sở KH&CN Bình Định kỳ vọng.

Xây dựng Quy Nhơn là điểm đến của tinh thần ngoại giao khoa học

Theo Phó Giám đốc Sở KH&CN, Quy Nhơn đang có những tiền đề thuận lợi, có Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành ICISE - một điểm sáng của Việt Nam, khu vực Đông Nam Á và quốc tế trong việc thu hút, giao lưu giữa các nhà khoa học lừng danh thế giới. Viện Nghiên cứu Khoa học và Giáo dục liên ngành (thuộc ICISE) là mô hình viện nghiên cứu tư nhân đầu tiên tại Việt Nam, trở thành nơi hội tụ của những “hạt giống” ngành Vật lý năng lượng cao Việt Nam. Ngoài ra, dự án Tổ hợp không gian khoa học đầu tiên của cả nước cũng được xây dựng tại Quy Nhơn.

anh 1.jpeg
Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành ICISE tại Quy Nhơn. Ảnh ICISE

“Tuy nhiên, hiện nay Khu Đô thị Khoa học Quy Hòa vẫn chưa được Chính phủ phê duyệt vì khái niệm “Khu đô thị khoa học” chưa được quy định trong các văn bản mang tính pháp lý. Do vậy, để Khu đô thị Khoa học trở thành hiện thực, cần xác định các tiêu chí cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Khoa học và công nghệ, Luật Đầu tư công, Luật xây dựng… để có cơ sở pháp lý triển khai thực hiện”, ông Hà cho hay.

Theo ông Hà, để xây dựng, hình thành và phát triển khu đô thị khoa học, cần có cơ chế pháp lý, rất nhiều nhân lực có trình độ cao, các chuyên gia… Ngoài ra, khu đô thị khoa học còn phát huy chất xám trong nghiên cứu khoa học, gắn kết giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học và hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; thu hút các nguồn lực trong nước và nước ngoài, tạo động lực thúc đẩy phát triển khoa học và giáo dục.

anh 2.jpg
 Toàn cảnh Dự án Khu đô thị Khoa học Quy Hòa (Quy Nhơn) dự kiến triển khai

Tại hội thảo khoa học "Định hướng phát triển Quy Nhơn trở thành thành phố khoa học đặc trưng của Việt Nam" diễn ra ngày 5/7 mới đây, nhiều chuyên gia cho rằng, Quy Nhơn có tiền đề rất thuận lợi để xây dựng thành trung tâm khoa học, đô thị khoa học của cả nước.

Theo TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, Bình Định cần có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó chú trọng vào các lĩnh vực mà tỉnh có thế mạnh như nghiên cứu khoa học cơ bản, công nghệ thông tin, AI.... Cùng với đó, có giải pháp huy động các nguồn lực để xây dựng các khu đô thị khoa học .

Còn theo GS. Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam - Giám đốc Trung tâm quốc tế Khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE), để xây dựng Quy Nhơn trở thành thành phố khoa học đặc trưng của Việt Nam thì người lãnh đạo phải quyết liệt, dám nói dám làm và cần phải có thời gian thực hiện. Ngoài ra, cũng cần phải có sự chuẩn bị kỹ cho việc xây dựng trên.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Huỳnh Huyện - Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Định bày tỏ mong muốn Bình Định sớm được Chính phủ được phê duyệt thực hiện thí điểm đề án phát triển "Khu đô thị khoa học Quy Hòa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035" và xây dựng TP. Quy Nhơn là điểm đến, điểm gặp gỡ của tinh thần ngoại giao khoa học.

Diệu Thùy