Theo cáo buộc, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người thành lập và điều hành hoạt động Công ty AIC, ngồi ghế Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc.
Ở Công ty AIC, bị cáo Trần Mạnh Hà giữ chức Phó Tổng giám đốc phụ trách mảng thiết bị y tế; còn bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga là Phó Tổng giám đốc, kiêm Trưởng Ban 1, phụ trách địa bàn các tỉnh phía Nam (trong đó có tỉnh Đồng Nai).
Quá trình điều hành Công ty, bà Nhàn yêu cầu lãnh đạo và nhân viên Công ty AIC phải thực hiện “Quy trình 70 bước thực hiện dự án thiết bị không có xây dựng”, trong đó có nội dung thực hiện thông thầu và gian lận trong đấu thầu, trái quy định của Luật Đấu thầu.
Cáo buộc cho rằng, việc thực hiện quy trình nêu trên để liên hệ, thông đồng với chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, thẩm định giá và các công ty “quân xanh”, nhằm đảm bảo cho Công ty AIC dự thầu và trúng thầu.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn còn thành lập và trực tiếp điều hành các “Ban nội bộ”; giao những người thân tín phụ trách để thực hiện việc điều chuyển tiền thu lợi bất chính và hợp thức hóa tài liệu, chứng từ để chi ngoài sổ sách cho các lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, chủ đầu tư theo cơ chế do bà Nhàn đặt ra.
Sau khi tạo được quan hệ với ông Trần Đình Thành, năm 2007, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn gặp và nhờ ông Thành (khi đó đang là Bí thư Tỉnh ủy) mời lãnh đạo UBND tỉnh, các Sở, ngành ăn trưa để giới thiệu Công ty AIC và nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện cho công ty tham gia các dự án của tỉnh. Bà Nhàn giới thiệu Hoàng Thị Thúy Nga, Phó Tổng giám đốc với ông Thành để phối hợp thực hiện.
Theo cáo buộc, bà Nhàn còn chỉ đạo bà Nga và nhân viên mua hồ sơ mời thầu, lập hồ sơ dự thầu cho cả công ty “quân đỏ” và công ty “quân xanh” để nộp hồ sơ dự thầu cho đủ số lượng theo quy định, để Công ty AIC trúng 16 gói thầu thiết bị y tế.
Với cách thức nêu trên của bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Công ty AIC và các Công ty do Công ty AIC chỉ định đã tham gia 16/19 gói thầu thiết bị y tế và trúng toàn bộ 16 gói thầu, với tổng giá trị hơn 665 tỷ đồng.
Trả lời thẩm vấn tại toà, bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga khai không biết về quy trình 70 bước. “Quy trình này thực chất không phải của Công ty AIC. Có 7 bị cáo khác là nhân viên Công ty AIC thì có 6 người là nhân viên Ban 1, thuộc quyền quản lý của bị cáo đều không biết về quy trình 70 bước này”, bị cáo Nga khai.
Trước lời khai của cựu Phó Tổng giám đốc Hoàng Thị Thúy Nga, HĐXX đã thẩm vấn các bị cáo nguyên là nhân viên Công ty AIC về quy trình 70 bước này.
Trả lời thẩm vấn về "quy trình 70 bước", bị cáo Nguyễn Tấn Sỹ (nguyên nhân viên Công ty TCI- Công ty con của Công ty AIC) trình bày, quá trình làm việc, bị cáo đã đọc qua quy trình này. Nội dung "quy trình 70 bước", bị cáo không nhớ rõ, nhưng bị cáo hiểu rằng quy trình này hướng dẫn triển khai dự án, để nhân viên công ty hiểu.
Bị cáo Hoàng Thế Quỳnh (cựu nhân viên Công ty AIC) khai, bị cáo cùng nhân viên các phòng ban khác đều được cấp "quy trình 70 bước" kể trên.
Còn bị cáo Lê Chí Tuân (nguyên Trưởng nhóm hồ sơ - Ban Quản lý Dự án 1 Công ty AIC) thừa nhận, đã từng được nghe đến "quy trình 70 bước", nhưng vì công việc không liên quan nên bị cáo không để ý.
Tại tòa, bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga thừa nhận việc đã cùng bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đi gặp các cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và bị cáo thấy cựu Bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành rất thân thiện. “Kết thúc gặp gỡ, chị Nhàn nói bị cáo đi ra để chị gặp riêng lãnh đạo”, lời khai của bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga.
Do vắng mặt bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, HĐXX cho trình chiếu nhiều tài liệu liên quan đến hành vi phạm tội của bà Nhàn như: Nội dung "quy trình 70 bước"; báo cáo tài chính thể hiện việc bà Nhàn chỉ đạo nhân viên điều chỉnh thông tin trên 4 bản báo cáo tài chính để đảm bảo đủ điều kiện đấu thầu, chứng minh hành vi gian lận trong đấu thầu của bà Nhàn... |