Nhiều người cho rằng vấn đề quyền im lặng còn mới mẻ và đang có nhiều tranh cãi nên "chưa dám" hay "chưa nên" đưa vào Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi.

>> Bản án giật mũ và tương lai một con người

>> Án oan, ép cung và "dê tế thần"

>> Án oan 10 năm và lời nhắc "công bộc"

>> Nguyễn Thanh Chấn: Tù 10 năm số phận lại treo lơ lửng

LTS: Tuần qua, tại phiên thảo luận của Thường vụ Quốc hội sửa đổi luật Tổ chức TAND, luật Tổ chức VKSND, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng tỏ ra không hài lòng khi ban soạn thảo luật này không đề cập đến nội dung quyền im lặng của bị can, bị cáo trong dự thảo. Ông nhấn mạnh: "Phải căn cứ vào quy định của Hiến pháp, quyền của người ta sao lại bảo là muốn hay không muốn" [1].

Để làm rõ thêm những vấn đề xung quanh quyền im lặng, Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết của ThS Bùi Tiến Đạt, giảng viên Khoa Luật - ĐHQGHN.

Hiện nay đã có khá nhiều ý kiến phân tích và ủng hộ quyền giữ im lặng của người bị cáo buộc phạm tội (bị can, bị cáo). Những lợi ích của quyền này đã được luận giải khá đầy đủ. Đó là một tín hiệu tốt cho việc hoàn thiện pháp luật về tố tụng hình sự ở nước ta.

Hiến pháp hiện hành và quyền im lặng

Các Hiến pháp Việt Nam xưa nay vốn đã ghi nhận quyền giả định vô tội và Hiến pháp hiện hành 2013 tiếp tục khẳng định: "Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật" (khoản 1, Điều 31).

Khi Việt Nam thực hiện quyền giả định vô tội này cũng chính là thực thi quyền im lặng đã được bao hàm trong đó. Do đó, dù Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi có quy định rõ về quyền im lặng hay không, việc bảo đảm quyền này là đương nhiên nhằm thực hiện các cam kết của luật quốc tế. Thiết nghĩ, việc thể hiện thành lời văn sẽ góp phần chính thức hóa và bảo vệ quyền im lặng tốt hơn. Một số hiến pháp trên thế giới đã đi theo xu hướng này.

{keywords}

Nhiều ý kiến cho rằng luật hóa "quyền im lặng" sẽ giảm được oan sai. Trong ảnh là ông Nguyễn Thanh Chấn trong vòng tay người thân sau 10 năm tù oan. Ảnh: Nguyễn Quyết/ NLĐ.

Quyền im lặng áp dụng khi nào?

Hiện có một số cách hiểu chưa chính xác khi cho rằng quyền im lặng chỉ được áp dụng từ khi bị bắt đến khi gặp luật sư. Thực ra, quyền này có hiệu lực cả trong giai đoạn thẩm vấn trước phiên tòa và trong phiên tòa.[2] Ví dụ, lời cảnh báo về quyền của bị can, bị cáo (thường gọi tắt là cảnh báo Miranda) của luật hình sự Mỹ đã nêu: "Bạn không cần thiết phải nói bất cứ điều gì cho chúng tôi vào bất cứ thời điểm nào hoặc trả lời bất cứ câu hỏi nào".

Như vậy, bị cáo có quyền từ chối trả lời các câu hỏi ngay cả tại phiên tòa. Kết luận này có thể được rút ra từ nguyên tắc logic là: một khi các quyền gốc (quyền giả định vô tội và quyền không phải buộc tội chính mình) được áp dụng cả trong phiên tòa, quyền im lặng với tư cách là quyền phái sinh cũng có hiệu lực tương tự. Tất nhiên, quyền im lặng không phải là quyền tuyệt đối và có thể không được áp dụng trong một số trường hợp nhất định.

Phải thông báo về quyền im lặng cho người bị bắt giữ

Nếu bị can, bị cáo không biết quyền của mình để thực hiện và đòi hỏi thì dù có quyền cũng như không. Chính vì vậy, các công ước quốc tế về quyền con người cũng như nhiều quốc gia đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự phải thông báo về quyền cho người bị bắt.

Cảnh báo Miranda của Mỹ vẫn được coi là mẫu mực và lan tỏa rộng rãi thông qua các bộ phim Hollywood. Nó phổ biến đến nỗi nhiều trẻ em đã thuộc lòng lời cảnh báo dù không có nhiều hiểu biết về pháp luật. Cảnh báo Miranda, có mục đích thông báo cho người bị bắt các quyền của họ, có nhiều phiên bản nhưng gồm những nội dung chính sau:

"Bạn đã bị bắt. Trước khi chúng tôi hỏi bạn bất cứ câu hỏi nào, bạn cần phải hiểu những quyền của bạn là gì. Bạn có quyền giữ im lặng. Bạn không cần thiết phải nói bất cứ điều gì cho chúng tôi vào bất cứ thời điểm nào hoặc trả lời bất cứ câu hỏi nào. Bất cứ điều gì bạn nói có thể được dùng để chống lại bạn trước tòa. Bạn có quyền nói chuyện với một luật sư để lấy lời khuyên trước khi chúng tôi hỏi bạn và có quyền yêu cầu luật sư ở bên cạnh bạn trong lúc chúng tôi đặt câu hỏi. Nếu bạn muốn có nhưng không thể thuê luật sư, chúng tôi sẽ cung cấp luật sư cho bạn. Nếu bạn muốn trả lời các câu hỏi bây giờ mà không cần có luật sư thì bạn vẫn sẽ có quyền dừng việc trả lời vào bất cứ lúc nào. Bạn cũng có quyền dừng trả lời vào bất cứ lúc nào cho đến khi bạn nói chuyện với luật sư".[3]

Những rào cản

Việc ghi nhận và bảo vệ quyền im lặng chịu nhiều cản trở, thậm chí phản đối ở Việt Nam cũng như tại không ít quốc gia. Những rào cản này thể hiện ở một số điểm.

Thứ nhất, nhiều người cho rằng vấn đề quyền im lặng còn mới mẻ và đang có nhiều tranh cãi nên "chưa dám" hay "chưa nên" đưa vào Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi. Họ cũng đưa ra lý do rằng nhiều hiến pháp trên thế giới cũng không có quyền này.

Tuy nhiên, ý kiến này đã bỏ qua một điều rằng Việt Nam, với tư cách là thành viên tham gia Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị 1966 (International Covenant of Civil and Political Rights), có nghĩa vụ thực thi các điều khoản về quyền giả định vô tội (the right to be presumed innocent) và quyền không phải buộc tội chính mình (the right not to be compelled to testify against oneself or to confess guilt).

Vì vậy, đây là một sự trì hoãn không thuyết phục vì nó đi ngược lại xu thế chung trên thế giới, cũng như những cam kết thực thi Công ước quốc tế của Việt Nam.

Thứ hai, có người cho rằng quyền im lặng không tồn tại vì nó không được chính thức quy định trong Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị 1966. Quan điểm này không thuyết phục.

Mặc dù, quyền im lặng không được thể hiện rõ bằng lời văn của Công ước, Ủy ban Quyền con người của Liên hợp quốc đã giải thích rằng quyền này được ngầm định và là thành tố thiết yếu của hai quyền nêu trên (quyền phái sinh). Một thiết chế cũng rất uy tín khác, Tòa án Nhân quyền châu Âu, cũng có nhận định tương tự.

Thứ ba, các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là lực lượng điều tra hình sự, có khuynh hướng phản đối quyền im lặng. Họ cho rằng quyền này sẽ gây cản trở hoạt động điều tra và bỏ lọt tội phạm. Ý kiến này tồn tại ngay cả những nước có nền tư pháp phát triển như Anh và Úc.

Nhưng quan điểm này không đứng vững vì nó đi ngược với các nguyên tắc của nhà nước pháp quyền: bảo vệ quyền con người; phòng chống sự lạm quyền của nhà nước; "thà bỏ sót tội phạm còn hơn làm oan người vô tội".

Những rào cản kể trên phản ánh sự chưa sẵn sàng đổi mới theo những giá trị toàn cầu tiến bộ của các cơ quan thi hành pháp luật. Tuy nhiên, việc đảm bảo quyền im lặng là tất yếu theo các cam kết của Nhà nước. Sự đảm bảo quyền này sẽ nâng cao tính nhân bản của nền tư pháp cũng như nâng cao tính chuyên nghiệp của cơ quan điều tra.

Bùi Tiến Đạt (Giảng viên Khoa Luật, ĐHQGHN- Nghiên cứu sinh ĐH Macquarie, Australia)

-----

Chú thích:

[1] Quyền im lặng, Thanh niên, 25/09/2014.

[2] Tham khảo Website Đại sứ quán Hợp chúng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam: Khái quát hệ thống pháp luật Hoa Kỳ - Chương 5: Thủ tục tố tụng hình sự.

[3] Xem: Cẩm nang về Phiên tòa công bằng - Fair Trial Manual, tr. 130.

Bài cùng tác giả:

Đòn bẩy tự do học thuật

Tự do học thuật không chỉ là một quyền cơ bản cần được ghi nhận và bảo vệ bằng hiến pháp, mà còn là đòn bẩy quan trọng của cải cách giáo dục.

Sai phạm giao thông: ai có quyền xử

Pháp luật nhiều nước không cho phép cảnh sát xử phạt vì sẽ có nhiều khả năng dẫn tới lạm quyền vì có quá nhiều quyền.