Những 'giấy phép con' trái quy định đã phần nào được Chính phủ loại bỏ trong đợt rà soát “chưa từng có trong lịch sử” vừa qua. Nhưng vẫn còn những quy định tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau gây tranh cãi.
Ngay trong các luật hiện hành cũng có rất nhiều các điều kiện kinh doanh cần được loại bỏ, sửa đổi. Con số rà soát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, có đến 37 luật với 100 điều cần có sự sửa đổi, bổ sung.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đã phải thốt lên: “Người dân có tiền mang tiền đi kinh doanh, đi đầu tư để tạo việc làm, tăng thu cho ngân sách và nộp thuế mà lại gian nan như thế.”
Nhiều điều kiện gia nhập thị trường khắt khe khiến DN mất đi cơ hội được bỏ tiền đầu tư. Nhưng các DN đã gia nhập thị trường và có chỗ đứng trên thị trường cũng không thể an tâm khi nhìn về môi trường kinh doanh hiện tại.
Những rào cản các DN đang gặp phải, dường như trái ngược hẳn với tinh thần hỗ trợ DN được thể hiện trong dự thảo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến đông đảo các bên. Chính phủ cũng đã ban hành hẳn một Nghị quyết chuyên đề về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 (Nghị quyết 35) với nhiều nội dung quan trọng liên quan đến sự sinh tồn và phát triển của cộng đồng DN.
Các chuyên gia lẫn giới kinh doanh đều đồng tình với quan điểm hỗ trợ DN không phải chỉ nhìn từ góc độ tài chính. Một trong những sự hỗ trợ lớn nhất mà các DN cần chính là được tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, công bằng, và bình đẳng.