Sáng 1/10, Nhà xuất bản trẻ tổ chức kỷ niệm 20 năm có mặt chi nhánh tại Hà Nội bằng loạt hoạt động có ý nghĩa: Ra mắt bộ sách 7 cuốn bìa cứng đặc biệt; Tặng 20 tủ sách cho trường học; Khuyến mãi đặc biệt tri ân bạn đọc.
Bộ sách 7 cuốn bìa cứng đặc biệt của các cây bút phía Bắc nổi tiếng, đây là bộ sách giá trị có giá trị sưu tập cao: Tướng về hưu và những truyện khác (Nguyễn Huy Thiệp), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Bến không chồng (Dương Hướng), Cơ hội của Chúa (Nguyễn Việt Hà), Người đi vắng (Nguyễn Bình Phương), Vắng mặt (Đỗ Phấn), Những đứa con rải rác trên đường (Hồ Anh Thái).
Tiếp đó, trong tháng 10, NXB Trẻ sẽ giới thiệu một loạt các tựa sách mới của các tác giả viết về Hà Nội như: Nguyễn Việt Hà, Trần Chiến, Nguyễn Trương Quý, Nguyễn Nguyên Phước,…
Tuyển tập Tướng về hưu và những truyện khác phác họa nên chân dung một cây viết truyện ngắn xuất sắc của văn học Việt Nam đương đại với những chặng đường sáng tác mà ông đã đi qua. Đọc Nguyễn Huy Thiệp là đến với những rung cảm về vẻ đẹp và khuyết tật nơi chính mỗi con người - phẫn nộ và xót xa, sang cả và bần tiện, thờ ơ và day dứt. Những “bài học nông thôn”, những “huyền thoại phố phường”, những tiếng “hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt” của lịch sử đồng vọng... như những cuộc thăm dò tâm hồn thời đại ở chiều sâu của tận cùng tầm thường và tận cùng cao cả, mở ra nhiều triển vọng suy tư - gây lên thứ “chất men” mới mẻ của văn học Đổi mới mà công chúng hằng chờ đợi.
Nỗi buồn chiến tranh đã được chuyển ngữ ra 18 thứ tiếng và xuất bản tại 22 nước trên thế giới. Tác phẩm đã nhận Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam (1991), Giải thưởng cho tác phẩm Văn học của The Independent (Vương quốc Anh); Giải thưởng Văn học nước ngoài ALOA (Đan Mạch, 1998), Giải thưởng Nikkei châu Á (2011), Giải thưởng Văn học Sim Hun (Hàn Quốc, 2016). Đây là một tác phẩm cực kỳ tương phản với dòng văn học của Mỹ về cuộc chiến tranh Việt Nam. Trong vai trò chuyển tải thông điệp, Nỗi buồn chiến tranh là một tiểu thuyết vô cùng giá trị. Trôi dạt giữa thời gian và không gian, chuyển dịch nhuần nhuyễn giữa những ký ức của những ngày tháng trước chiến tranh với những mô tả về các trận đánh, cuốn tiểu thuyết mang trong mình sự bình yên và nỗi đau buồn, chất thơ của văn học lãng mạn, sự sâu sắc của văn học hiện thực.
Bến không chồng - tác phẩm đạt giải Hội Nhà Văn Việt Nam năm 1991 và được dịch ra nhiều thứ tiếng: Anh, Đức, Pháp, Ý; tác phẩm cũng được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh (phim nhựa và phim truyền hình). Bến không chồng đã tấn công vào một đề tài hóc búa: chiến tranh. Sự bội bạc, nỗi uất hận, những cám dỗ… cuốn tiểu thuyết này đã phản ánh mọi mặt của cuộc sống thời hậu chiến.
Cơ hội của Chúa - tác phẩm đã được dịch sang tiếng Pháp và phát hành bởi NXB Riveneuve Edition vào tháng 2/2013 (bản tiếng Pháp do Đoàn Cẩm Thi dịch). “Nhân vật phản-anh-hùng lớn nhất trong lịch sử văn học Việt Nam, Hoàng (Cơ hội của Chúa) của Nguyễn Việt Hà đánh dấu đỉnh cao của một nền văn học thời bình" - Đoàn Cẩm Thi nhận xét.
Với Người đi vắng - cư dân của Người đi vắng là những hồn ma, những kẻ sống dở chết dở, những dòng sông, giọt sương, tiếng chuông... Nhưng có lẽ nhân vật nữ, Hoàn, chính là người đi vắng ly kỳ nhất. Tiểu thuyết dành phần mở đầu mô tả mối tình tay ba của Hoàn với Thắng và Cương, người chồng và người tình. Hoàn lao xe xuống vực, cơ thể huỷ hoại còn hồn phiêu diêu. Từ đó, xen kẽ những giấc mơ của Hoàn là kỷ niệm, âm hưởng, dư vị, dấu ấn mà tấm thân nhục dục trước đây của cô để lai trong hai người đàn ông. Trong Người đi vắng, tình yêu/tình dục/tâm linh gắn với nhau như hình với bóng. Chúng hiện lên lung linh, lẫn lộn vật chất tinh thần, chồng chéo giằng co nhau qua những sợi dây thần bí. Người đi vắng là truyện tình bất thường của những người tình bất kham và bất an.
Vắng mặt - là câu chuyện của cuộc sống đương đại, là “nỗi niềm của những người như chúng mình ngày một thêm vắng mặt ở ngay chính nơi mình sinh ra và lớn lên, ở ngay chính công việc mà mình được đào tạo”. Dường như những câu chuyện thật của cuộc đời được sắp xếp vào đây thành nên tác phẩm.
Những đứa con rải rác trên đường đã được dịch ra 10 thứ tiếng và ấn hành ở nhiều nước. Người lái xe với những mối quan hệ phóng túng dọc đường rong ruổi đã sinh ra nhiều đứa con, tạo ra nhiều số phận. Nhưng hiểu theo nghĩa sâu hơn, ‘con đường’ ở đây cũng có thể là con đường của cả một dân tộc, và những đứa con là người Việt thuộc nhiều vùng miền khác nhau, và người cha chung là một hình ảnh ẩn dụ. Câu chuyện của người lái xe không chỉ là chuyện một con người, một đời người, mà lần lượt trải qua chiến tranh, bao cấp, cơ chế thị trường, thời toàn cầu hóa… Đó là chuyện của một dân tộc.