Ngày 19/4, phiên tòa xét xử án chiếm đoạt “đất vàng” ở Hà Nội tiếp tục với phần tranh luận. Trong vụ án này, vợ chồng bị cáo Lương Thế Hiển (SN 1960, nguyên Phó Chánh Văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội, đã nghỉ hưu) và Nguyễn Thị Liên (SN 1960, vợ bị cáo Hiển) bị truy tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Bị hại trong vụ án được xác định là ông Nguyễn Thanh Thủy (SN 1972, ở Đống Đa, Hà Nội), còn người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là anh Lê Hải An.

Vợ chồng bị cáo Lương Thế Hiển tại tòa. Ảnh: CTV

Theo cáo buộc, vợ chồng ông Lương Thế Hiển đã lợi dụng sự tín nhiệm của anh Nguyễn Thanh Thủy để chiếm đoạt 676m2 đất ở phố Bà Triệu, Hà Nội rồi sau đó đem bán để thu 320 tỷ đồng.

Cụ thể, từ tháng 9/2017- 7/2018, ông Hiển giới thiệu bản thân có nhiều mối quan hệ với lãnh đạo của các sở, ban, ngành thành phố Hà Nội, có thể đứng tên giúp anh Thủy làm thủ tục mua nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước với giá thấp, chuyển đổi đất sử dụng chung và góp các giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất tại số 296, 298, 300 phố Bà Triệu cho anh Thủy được nhanh chóng.

Bị cáo Hiển và anh Thủy đã thống nhất thực hiện việc ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với bà Nguyễn Thị Liên (là vợ ông Hiển), viết các giấy nhận tiền góp vốn và chuyển nhượng lại phần vốn đã góp, ký các hợp đồng công chứng chuyển nhượng nhà đất tại phố Bà Triệu với bà Liên và ông Hiển.

Năm 2017, 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội cấp 4 sổ đỏ đứng tên vợ chồng ông Hiển. Lúc này, nguyên cán bộ Sở TN&MT nảy sinh ý định chiếm đoạt và không trả lại nhà đất cho anh Thủy mà tìm cách bán nhà đất trên cho anh Lê Hải An theo 4 hợp đồng chuyển nhượng nhà đất, với giá hơn 320 tỷ đồng.

Quá trình tố tụng, bị cáo Liên nhận tội, thừa nhận không có việc hợp tác, nhận tiền và khai nhận nghe theo sự sai khiến của chồng mà ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất cho anh An.

Bị cáo Hiển không nhận tội, khai rằng giữa bị cáo và anh Thủy có việc hợp tác kinh doanh để mua gom nhà đất, và bị cáo đã giao 200 tỷ đồng cho anh Thủy.

Tại phần luận tội, đại diện VKS cho rằng, quá trình điều tra xác định anh Thủy là người trả tiền mua nhà đất theo các thông báo lệ phí, sao kê ngân hàng…

Mặt khác, anh Thủy và bị cáo Liên là chủ thể ký hợp đồng hợp tác, không phải bị cáo Hiển, thể hiện không có việc hợp tác kinh doanh. Do đó, có đủ căn cứ quy kết bị cáo Hiển, Liên về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và giao dịch chuyển nhượng nhà đất là vô hiệu do bị lừa dối.

Vì vậy, đại diện VKS đề nghị HĐXX buộc bị cáo Hiển hoàn trả số tiền hưởng lợi bất chính gần 320 tỷ đồng cho anh An; thu hồi hủy bỏ 3 sổ đỏ nhà đất 676m2; đề nghị tòa buộc anh An phải trả lại thửa đất cho anh Thủy.

Đại diện VKS cũng đề nghị tiếp tục kê biên 3 thửa đất trên, đồng thời tiếp tục phong tỏa các tài khoản của bị cáo Liên, Hiển; kê biên các tài sản của bị cáo Hiển.

Trước quan điểm luận tội của đại diện VKS, bị cáo Hiển không đồng ý kê biên tài sản vì cho rằng đó là tài sản của gia đình mình.

Tại tòa, luật sư Vũ Ngọc Chi đưa ra quan điểm: Cần phải xác định tài sản bị chiếm đoạt là nhà đất. Vì vậy, đề nghị tòa án xem xét, nếu chiếm đoạt nhà đất thì phải thông qua việc chuyển nhượng như giấy tờ giao nhận tiền, hợp đồng công chứng…

Ở đây, kết luận giám định chữ viết, chữ ký các bên trên hợp đồng đều đúng. Anh Thủy không bị đe dọa hay cưỡng ép khi ký hợp đồng.

Luật sư Chi cũng cho rằng, kể từ thời điểm anh Thủy biết bị cáo Hiển ký xác nhận sang tên nhà đất, anh Thủy không có đơn thư hay biện pháp ngăn chặn giao dịch này. Mặt khác, lời khai của bị cáo Liên vào năm 2019 và 2021 đối ngược nhau, việc thực nghiệm hiện trường cũng không phù hợp với thực tế… Với lập luận trên, luật sư đề nghị tòa án xem xét bị cáo Hiển không phạm tội.

Ngày 20/4, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận.