Tại Lễ Khai mạc Đại hội Đảng lần thứ XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII, trong đó nhấn mạnh mục tiêu: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Mục tiêu cụ thể trong những thập niên tới là: Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
VietNamNet xin giới thiệu đến quý độc giả những bài viết theo chủ đề này với mong muốn góp tiếng nói để Việt Nam sớm đạt được mục tiêu đề ra
Đầu tư nông nghiệp không chỉ để làm giàu
Thông tin từ Bộ NN-PTNT cho thấy, công nghiệp chế biến nông sản tại Việt Nam đang phát triển nhanh cùng với ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản. Trong 5 năm qua, có 67 nhà máy chế biến nông sản lớn, hiện đại được khởi công, đi vào hoạt động với tổng mức đầu tư khoảng 2,58 tỷ USD, tạo ra năng lực mới thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nông nghiệp theo chiều sâu.
Hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới phù hợp hơn với cơ chế thị trường và sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Ngành nông nghiệp hình thành nhiều trang trại, hợp tác xã kiểu mới hoạt động hiệu quả.
Doanh nghiệp nông nghiệp phát triển nhanh với quy mô ngày càng lớn. Nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn doanh nghiệp - hợp tác xã - hộ nông dân hình thành và được nhân rộng. Đến nay, cả nước có trên 7.500 cơ sở chế biến nông lâm thủy sản quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu.
Chia sẻ về vấn đề doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, Thứ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, đây là tín hiệu vui bởi có sự tham gia ngày càng nhiều các tập đoàn lớn.
Nông nghiệp Việt cần những doanh nghiệp lớn đầu tư để dẫn dắt, đưa sản phẩm nông sản vào chế biến sâu |
“Họ vẫn xác định rằng, nông nghiệp không phải là lĩnh vực sinh lời ngay và cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhưng tôi thấy rất nhiều doanh nghiệp (DN) tâm huyết với nông nghiệp, muốn trở lại đầu tư cho nông nghiệp không chỉ với mục đích làm giàu cho mình mà mong muốn tạo ra một cú hích để thay đổi hình ảnh nông nghiệp Việt Nam”, ông nhận định.
Theo ông Hoan, đó là giá trị cao nhất của việc DN tư nhân đầu tư vào nông nghiệp. Từ đó, các DN đã tạo ra được lợi thế để đưa nông sản Việt ra “chợ toàn cầu” cũng như đưa vào chế biến sâu, tạo giá trị gia tăng cao hơn.
Ông Lê Minh Hoan khẳng định, cần trân trọng sự đóng góp của cộng đồng DN đầu tư vào nông nghiệp bởi đó chính là động lực dẫn dắt. Song, theo ông, trong tự nhiên sẽ có những con “đại bàng”, cũng sẽ có những con “chim sẻ”, chúng ta muốn có nhiều “đại bàng” để dẫn dắt nhưng không được quên những con “chim sẻ” - đó là những HTX, là những doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đầu tư ở các địa phương, mặc dù giá trị có thể không cao nhưng nếu hợp lực “chim sẻ” lại sẽ tạo ra hiệu quả lan tỏa.
Đặc biệt, các chương trình đổi mới sáng tạo hay khởi nghiệp trong nông nghiệp sắp tới sẽ được ưu tiên. Những DN, những bạn trẻ trở về từ các đô thị lớn, hấp thụ được tri thức, công nghiệp hiện đại sẽ trở về khởi nghiệp trong các lĩnh vực cụ thể của nông nghiệp từ phân loại, bảo quản, phân phối sản phẩm, thương mại điện tử... qua đó tác động lan tỏa ở cộng đồng không kém gì các “đại bàng”, ông Hoan nhận định.
Theo Thứ trưởng Lê Minh Hoan, có nhiều DN vừa và nhỏ ở địa phương cũng đồng nghĩa với việc khi các “đại bàng” đến đầu tư sẽ có hệ sinh thái xung quanh. Ngược lại, khi chúng ta tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ là một điều kiện để kéo các "đại bàng" đến. Từ đó, vừa tạo ra giá trị cho doanh nghiệp, vừa tạo ra giá trị cho nông dân.
“Mong các nhà đầu tư phải trở thành hệ sinh thái để đi cùng nhau chứ không nên đi một mình. Cùng đầu tư trên một lĩnh vực nông nghiệp như cây ăn trái, cà phê, cá tra, điều,... thì nhà đầu tư phải hợp tác thay vì chia rẽ, cạnh tranh. Hãy nghĩ tới quyền lợi của nông dân, nền nông nghiệp của mình trước khi nghĩ đến lợi nhuận, cùng tạo ra khát vọng chung cho đất nước, tạo sự lan tỏa, thương hiệu cho DN đồng nghĩa với việc tạo ra thương hiệu chung”, ông trông đợi.
Thứ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng HTX là cứu cánh để vượt qua lời nguyền sản xuất nông nghiệp manh mún nhỏ lẻ |
Tri thức hoá, chuyên nghiệp hoá nông dân
Về câu chuyện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo chuỗi liên kết, Thứ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, không chỉ cần người nông dân, cần doanh nghiệp, chúng ta phải đưa kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX ở một vị trí tương xứng với tiến trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp Việt.
“Tôi cũng thường nói cần xem đó là cứu cánh để chúng ta vượt qua lời nguyền sản xuất manh mún nhỏ lẻ như vừa qua”, ông nói và dẫn chứng, những gì Sơn La, Đồng Tháp, Gia Lai, Kon Tum làm được cho thấy sự cần thiết của HTX, của kinh tế hợp tác trong vấn đề liên kết, đầu tư hỗ trợ cho người nông dân.
Theo đó, phong trào HTX sắp tới sẽ phát triển một cách mạnh mẽ, bền vững hơn, là đòn bẩy để kết nối những hộ sản xuất nhỏ lại với nhau, kích hoạt chuỗi hợp tác của nông dân với nhau, tạo liên kết giữa người nông dân, giữa HTX và doanh nghiệp. Như vậy, câu chuyện của chúng ta là hợp tác và liên kết. Muốn vậy phải xác định được định vị được thị trường, thị trường sẽ điều chỉnh lại sản xuất, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật...
Song, Thứ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, muốn có nền nông nghiệp chuyên nghiệp phải có người nông dân chuyên nghiệp. Khi người nông dân hợp tác với nhau, thấy mình phải tự thay đổi trước; vào hợp tác xã, biết cách tiếp cận tri thức cơ bản nhất trong nền kinh tế thị trường, biết cung, biết cầu, biết biến đổi khí hậu là như thế nào, biết an toàn vệ sinh thực phẩm, biết sản xuất thế hệ này nhưng tới thế hệ con cháu mình đất đai không bị bạc màu do lạm dụng quá nhiều chất kích thích tăng trưởng.
Bộ NN-PTNT sẽ cùng Hội Nông dân và cơ quan liên quan dần dần đi theo mô hình nước ngoài, có nghĩa là nông dân muốn sản xuất nông nghiệp phải có giấy phép, phải xem nông nghiệp là một nghề.
“Ai giỏi cho lên Sài Gòn học còn dốt quá thì cho đi làm nông. Nền nông nghiệp mà nói để người dốt đi làm nông nghiệp thì làm sao được”. Theo Thứ trưởng, chúng ta phải tri thức hóa người nông dân, chuyên nghiệp hóa người nông dân, tiến tới ngày nào đó chúng ta giống các quốc gia tiên tiến, xem đó là một nghề và được cấp chứng chỉ hành nghề chứ không phải không biết làm gì thì đi làm ruộng.
Tâm An - Thu Hằng - Trần Thường