Triển lãm tranh màu nước Những cảm xúc nhỏ của Hồ Hưng vừa diễn ra tại TPHCM, giới thiệu 35 tác phẩm được anh sáng tác từ 2018 đến nay. Đa số tranh trong triển lãm đều được các nhà sưu tập sở hữu.
Hồ Hưng là hoạ sĩ nổi tiếng với tranh màu nước, đã đạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Anh được giới chuyên môn ghi nhận tài năng và tâm huyết với loại hình này. .
Họa sĩ Hồ Hưng chia sẻ các chuyến đi thực tế, ký họa, trực họa là một phần không thể thiếu trên hành trình chinh phục hội họa của anh.
“Với tôi trực họa không dừng lại ở thu thập tư liệu và ghi chép mà đó là một hành trình khám phá thực sự, giúp tôi hiểu hơn về mối liên hệ mật thiết giữa thiên nhiên, văn hoá và con người. Đặc biệt hơn, trước mỗi chuyến đi tôi chưa bao giờ có thể hình dung được về những bức tranh sẽ hình thành mà thường lệ thuộc vào sự khám phá tức thời”, anh chia sẻ.
Qua triển lãm, anh muốn đưa đến công chúng thưởng lãm tranh như một món quà để cùng cảm nhận và trân trọng cái đẹp của cuộc sống, thiên nhiên và những khoảnh khắc thật bình thường xung quanh “đang trôi dần về quá khứ”.
Họa sĩ truyền tải cảm xúc và góc nhìn về cuộc sống qua ngòi cọ. Anh ít vẽ con người, chủ yếu khai thác cảnh vật, những thứ gần gũi trong sinh hoạt hàng ngày. Chẳng hạn khi vẽ bức tranh mang tên “Mẹ”, anh thể hiện chiếc giỏ đi chợ với hoa quả, quà bánh, khắc họa hình ảnh người mẹ quen thuộc.
Hồ Hưng quan sát tỉ mỉ không gian và thời tiết, chọn tâm thế “tĩnh” để truyền tải sự thay đổi, biến chuyển của từng sự vật lên tranh. Anh cho rằng chỉ khi tĩnh tâm và quan sát kỹ, mới tìm thấy vẻ đẹp trong những hình ảnh quen thuộc hàng ngày.
Trong số 35 tác phẩm, họa sĩ đặc biệt tâm đắc vài tranh. Trong đó, bức Sa mưa giông chất chứa nhiều cảm xúc từ ý tưởng đến khi hoàn thành. Họa sĩ kể trong một chuyến công tác ở Cần Thơ, anh thấy trời chuyển mưa, mây đen, gió kéo tới, sông cuồn cuộn chảy, còn con thuyền chở người vẫn lao đi. Bất giác, anh quyết định vẽ lại khoảnh khắc này vì cảm nhận nó giống đời sống, dẫu có thế nào vẫn phải tiến về phía trước.
Ngắm tranh của Hồ Hưng, nhiều người cảm nhận được nỗi buồn man mác, những rung cảm trước sự thay đổi của không gian, cảnh vật... Mỗi tác phẩm, họa sĩ mất 20-30 phút, hoặc vài tiếng để hoàn thành.
“Tôi không vẽ nguyên bản của bối cảnh. Tôi thường tìm hiểu văn hoá, lịch sử, thời tiết cũng như sự thăng trầm của vùng đất để vẽ, tạo nên nét riêng”, anh nói.
Triển lãm tranh Những cảm xúc nhỏ diễn ra từ ngày 28/7 đến 11/8, tại Nhã Lam Art Gallery (TPHCM).
Một số tranh trong triển lãm
Ảnh: NVCC