Nhập khẩu năng lượng sẽ ngày càng nhiều
Tại hội thảo Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đánh giá tổng quan về phát triển năng lượng, dự báo phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu năng lượng, TS. Nguyễn Ngọc Hưng, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) đánh giá: Tỷ lệ phụ thuộc năng lượng nhập khẩu tăng mạnh trong những năm gần đây do sản lượng xuất khẩu giảm mạnh và nhập khẩu than tăng mạnh.
Đơn cử với than và khí cho sản xuất điện, xu hướng nhập khẩu là chủ đạo do nguồn cung trong nước không đủ.
Theo tính toán cân đối trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Bộ Công Thương cho biết: Tổng nhu cầu than cho sản xuất điện giai đoạn 2016-2030 khoảng 1,4 tỷ tấn. Trong đó, nhu cầu than trong nước khoảng 735 triệu tấn. Nhu cầu than nhập khẩu khoảng 650 triệu tấn.
Than cho sản xuất điện phải nhập khẩu ngày càng nhiều |
Thực tế, do việc khai thác than trong nước gặp nhiều khó khăn, đặc biệt việc phát triển các mỏ mới, nên sản lượng than sản xuất trong nước không đủ đáp ứng cho các nhà máy nhiệt điện sử dụng than nội (Antraxite). Từ năm 2018, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc đã phải nhập khẩu than và phối trộn để cấp cho sản xuất điện.
Một điều cần lưu ý, chủng loại than Việt Nam nhập khẩu là loại than chất lượng thấp dùng để sản xuất điện. Còn lượng than xuất khẩu của Việt Nam là loại chất lượng cao mà trong nước chưa có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết. Việc xuất khẩu loại than tốt với giá cao, nhập khẩu than rẻ về phát điện cũng là một giải pháp có lợi về mặt kinh tế.
Về cung cấp khí, Bộ Công Thương cho biết: Giai đoạn 2010-2019, sản lượng khí khai thác về bờ phục vụ cho các hộ tiêu thụ luôn duy trì mức 8,5-10,2 tỷ m3 khí/năm. Sản lượng khí này đến nay về cơ bản đáp ứng được nhu cầu của các nhà máy nhiệt điện.
Theo kế hoạch các mỏ khí lớn như Cá Voi Xanh được đưa vào khai thác từ năm 2024, mỏ khí Lô B đưa vào khai thác từ năm 2023 thì sản lượng khí khai thác về bờ từ năm 2020-2030 được duy trì ở mức từ 11-16 tỷ m3/năm.
Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tổng công suất các nhà máy điện khí tới năm 2030 của Việt Nam đạt trên 27.000 MW. Do sự suy giảm của các mỏ khí khu vực Đông Nam Bộ từ sau năm 2022 (sản lượng khí Đông Nam Bộ sẽ suy giảm rất nhanh từ mức 11 tỷ m3 năm 2022 giảm xuống còn gần 3 tỷ m3 năm 2030), Việt Nam sẽ phải nhập khẩu LNG cho sản xuất điện. Lượng LNG nhập khẩu ước tính lên tới trên 10 triệu tấn/ năm vào năm 2030.
Khai thác dầu thô đối mặt suy giảm sản lượng. |
Giảm tính tự chủ
Việc trở thành nước nhập khẩu năng lượng đã trở thành thực tế. Vì thế, tính toán trước các điều kiện thuận lợi cũng như rủi ro của một nước nhập khẩu năng lượng là điều không thể không quan tâm. Băn khoăn về việc nhập khẩu năng lượng cũng là điều từng được Trưởng ban Kinh tế TƯ Nguyễn Văn Bình chia sẻ tại Diễn đàn cấp cao về năng lượng vào ngày 22/7.
Trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh hiện các nguồn cung trong nước đang không đủ đáp ứng yêu cầu dẫn đến nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn. Trữ lượng dầu khí vùng gần bờ đã dần cạn kiệt. Than có trữ lượng và tài nguyên còn lớn nhưng điều kiện khai thác ngày càng khó khăn, làm gia tăng giá thành. Mức độ tăng than và khí nhập khẩu trong thời gian tới sẽ là một sức ép.
Theo tính toán, xu hướng nhập khẩu năng lượng sẽ tiếp tục tăng lên trong dài hạn. Tỷ lệ phụ thuộc nhập khẩu năng lượng sẽ khoảng 33-37% vào năm 2025 và lên đến 50-58% vào năm 2035. Những diễn biến này đang có phần tác động tới mục tiêu về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ của đất nước.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trong phần phát biểu kết luận tại Diễn đàn cấp cao về năng lượng cũng chia sẻ thực tế ngành năng lượng Việt Nam cũng đưa ra đánh giá mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là thách thức về nguồn năng lượng sơ cấp ở Việt Nam ngày càng giảm như than, khí v.v... dẫn đến chúng ta phải nhập khẩu các nguồn năng lượng sơ cấp cho nên sẽ giảm khả năng tự chủ về năng lượng của Việt Nam và tăng sự phụ thuộc vào các nền kinh tế khác. Đây là một thách thức rất lớn.
Ngoài lo ngại về sự phụ thuộc vào nền kinh tế khác, việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho nhập khẩu năng lượng của Việt Nam cũng còn hạn chế. Từ trước tới nay, Việt Nam chưa có cảng LNG có quy mô. Ngay cả với than nhu cầu nhập khẩu hàng năm là rất lớn song đến nay Việt Nam chưa có cảng trung chuyển than thực sự. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho nhập khẩu năng lượng về đội tàu, cảng, logictics,... là điều không thể xem nhẹ.
Bên cạnh đó, việc dành sự quan tâm cho ngành khai thác năng lượng trong nước cũng là điều nên làm để tránh phụ thuộc quá lớn vào nhập khẩu. Trong khi đó, việc khai thác nguồn năng lượng trong nước lại đối mặt với không ít rủi ro. Các mỏ dầu khí chủ lực đã chuyển sang giai đoạn suy giảm sản lượng hay có độ ngập nước cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro, như mỏ Bạch Hổ, Tê Giác Trắng, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Rạng Đông... Nhiều năm nay, việc tìm kiếm thăm dò các mỏ dầu mới ngày càng khó khăn. Nguồn vốn để thực hiện công tác tìm kiếm thăm dò cũng vướng do thiếu cơ chế trích lập, quản lý, và sử dụng Quỹ tìm kiếm thăm dò dầu khí. Việc đầu tư khai thác mỏ ở nước ngoài không thành công như mong đợi.
Hoạt động khai thác than trong nước cũng đã qua thời dễ dàng. Mỏ lộ thiên đã khai thác xuống sâu, chi phí khai thác ngày càng cao. Điều kiện khai thác tại các mỏ than của bể than Đông Bắc ngày càng phức tạp, khó khăn. Còn tại Bể than Đồng bằng Sông Hồng, đến nay việc thăm dò than vùng đồng bằng Sông Hồng chủ yếu là ở mức độ tìm kiếm. Cơ chế giá than bán cho các hộ sản xuất điện, đạm,... vẫn chưa thực sự mang tính thị trường khiến việc tái đầu tư cho khai thác càng gặp vướng.
Do vậy, để đảm bảo an ninh năng lượng, một mặt cần tìm kiếm các nguồn nhập khẩu với chi phí hợp lý và ổn định, mặt khác, cần đầu tư có trọng điểm cho việc khai thác các nguồn năng lượng trong nước, để tránh gặp phải tình trạng bị phụ thuộc quá lớn vào nguồn nhập khẩu như nhiều lãnh đạo đã lo ngại.
Hà Duy
Ế ẩm xuất khẩu than và chuyện thiếu than cho điện
Nhiều năm nay, ngành than được cho phép xuất khẩu mỗi năm khoảng 2 triệu tấn than. Nhưng đến cuối năm đều xuất khẩu không hết.