Theo Bộ LĐ-TB&XH, Chính phủ trình 2 phương án liên quan đến rút BHXH một lần. Cả 2 phương án đều hướng tới mục tiêu, chủ trương là hạn chế số người hưởng BHXH một lần, đảm bảo an sinh xã hội bền vững. Mỗi phương án đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định.

Phương án 1, đề xuất quy định hưởng BHXH một lần với 2 nhóm người lao động khác nhau.

Nhóm 1, gồm những người đã tham gia BHXH trước khi luật BHXH sửa đổi có hiệu lực, sau 12 tháng có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần. Với quy định này, hơn 17 triệu người đang tham gia BHXH sau năm 2025 khi luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực vẫn được rút BHXH một lần.

Nhóm 2, gồm những người lao động bắt đầu tham gia từ ngày luật có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025) thì không được rút BHXH một lần, trừ một số trường hợp đặc thù.

W-bao-hiem-xa-hoi.jpg
Ảnh minh hoạ: Thạch Thảo.

Phương án 2 là sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có nhu cầu thì được giải quyết một lần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Quá trình thảo luận, đa số ý kiến tập trung vào 2 phương án Chính phủ trình, chưa có thêm phương án nào được đề xuất.

Nên chọn phương án cho rút không quá 50%

Theo nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Thị Lan Hương, để đảm bảo chính sách an sinh thì không nên cho người lao động rút một lần.

Tuy nhiên, do hiện nay người lao động đang rất khó khăn, chỉ nên quy định cho rút một phần không quá 50% BHXH, phần còn lại để hướng người lao động tái tham gia BHXH, hướng tới hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động.

Theo bà Hương, cơ quan BHXH nên quy định bảo lưu số năm đóng cho người lao động. Theo đó, số năm đóng vẫn được giữ nguyên và mức hưởng sau này dựa trên số tiền đóng thực tế.

“Công thức hưởng chế độ hưu trí từ BHXH dựa trên mức đóng và số năm đóng. Vì vậy, BHXH nên quy định bảo lưu số năm đóng để tạo điều kiện cho người lao động đảm bảo thời gian hưởng lương hưu.

Ngược lại, nếu rút 50% đồng nghĩa mất nửa thời gian đóng, khi tái tham gia trở lại, người lao động có số năm tham gia BHXH ít, dẫn đến mức hưởng hưu trí, trợ cấp rất thấp”, bà Hương nói.

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng, việc người lao động rút BHXH một lần chiếm tỷ lệ cao không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, mà còn tác động chung đến chính sách an sinh xã hội của đất nước. 

Do vậy chính sách sửa đổi chế độ BHXH một lần phải hướng tới tạo sự hấp dẫn, linh hoạt, tăng cường lợi ích của người lao động tham gia lâu dài. 

Theo đó, cùng với việc hướng tới giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm hoặc 10 năm thì mức lương hưu ít nhất phải đảm bảo mức sống tối thiểu. Có như vậy mới khuyến khích được người lao động ở lại hệ thống BHXH để hướng tới hưởng lương hưu khi về già.

Giảm số người rút BHXH một lần

Theo BHXH Việt Nam, 2 tháng cuối năm 2023 bình quân có trên 77.000 người rút BHXH 1 lần, đến tháng 2/2024 giảm còn 70.000 người. Đáng chú ý, có 80% lao động rời hệ thống ở độ tuổi 20 - 40, song nhiều người trong số này đã quay lại lưới an sinh khi tìm được việc làm.

Người rút một lần có xu hướng giảm do làn sóng cắt giảm việc làm có dấu hiệu hạ nhiệt, đơn hàng quay trở lại từ giữa năm ngoái. Quý III/2023, cả nước ghi nhận 118.400 lao động mất việc, giảm trên 99.000 người so với quý II. Số này tập trung ở hai tỉnh vùng Đông Nam Bộ là Bình Dương và TP.HCM.