Cuộc sống bấp bênh nên rút "một cục"
Chị Nguyễn Thị Linh (36 tuổi) làm công nhân tại công ty điện tử ở Bắc Ninh chia sẻ, dù đã tham gia BHXH được hơn 10 năm, nhưng do công việc nặng nhọc, không thể đảm bảo sức khoẻ làm đến năm 45-50 tuổi, nên chị chọn phương án rút BHXH một lần...
Theo lời chị Linh, rất ít người có thể làm công nhân đến độ tuổi hưu, do vậy nếu không có sự chuẩn bị, hoạch định cho tương lai, đến khi tuổi cao, sức yếu “xoay xở” sẽ không kịp.
“Công nhân cơ bản đều làm công việc nặng nhọc, có cố cũng không thể làm được đến tuổi chờ nghỉ hưu. Đa số đến tuổi 40-45 là bị công ty sa thải, do vậy nghỉ việc rút BHXH một lần, lấy vốn làm ăn sẽ thực tế hơn”, chị Linh nói.
Anh Lê Văn Quang (43 tuổi) - công nhân sản xuất giấy ở Bắc Giang cho biết, đa số lao động ở khu công nghiệp có thu nhập không cao. Do không có tích luỹ nên khi mất việc, cuộc sống khó khăn nên họ thường chọn rút BHXH một lần.
Theo anh Quang, tình trạng rút BHXH một lần thường diễn ra ở người trẻ tuổi, nhiều người làm được 6-10 năm sẵn sàng rút BHXH một lần, sau đó tiếp tục xin đi làm rồi tham gia BHXH lại từ đầu.
"Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ người lao động khó khăn khi mất việc sẽ hạn chế nhiều trường hợp người lao động rút BHXH một lần" - anh Quang nói thêm.
Số liệu thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, trong giai đoạn 2016- 2022, cả nước có 4.847.344 người lao động đề nghị và được giải quyết hưởng BHXH một lần, sau khi hưởng BHXH một lần, có khoảng gần 1,3 triệu người quay trở lại tiếp tục tham gia đóng BHXH (chiếm 26% số người hưởng BHXH một lần).
Những người hưởng BHXH một lần chủ yếu là lao động trẻ, từ trên 20 tuổi đến đủ 40 tuổi (chiếm khoảng 77,5% trong tổng số người hưởng BHXH một lần).
Điều này cho thấy, việc hưởng BHXH một lần sớm vẫn có thể tiếp tục gia tăng, bởi chính ở giai đoạn tuổi trẻ, số đông lao động quan tâm nhiều đến nhu cầu trước mắt (ngắn hạn) hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già (dài hạn), mặt khác cũng do áp lực về tài chính (bắt đầu tự lập, tiếp tục đầu tư học tập nâng cao trình độ nghề, lập gia đình, nuôi con nhỏ...) và sự thay đổi, gián đoạn trong công việc nên số lượng người hưởng BHXH một lần bình quân còn trẻ.
Mất việc dẫn tới tỷ lệ rút BHXH một lần cao
Khảo sát của Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ (Ban IV) từ hơn 8.300 người lao động vào cuối tháng 4/2023 cho thấy, về tình trạng việc làm, có 31% người được khảo sát đang trong tình trạng không có việc làm.
Tỷ lệ này đã giảm so với trong bối cảnh dịch Covid-19 nhưng vẫn còn khá cao. Ban IV cho rằng, bối cảnh này có nhiều thách thức đối với thị trường lao động.
Xét theo địa phương thì TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Đà Nẵng là nơi có tỷ lệ người lao động không có việc làm cao nhất, đều trên 30%.
Về nguyên nhân không có việc làm của người lao động, khảo sát cho thấy có 32,4% người lao động không có việc cho biết họ bị mất việc là do cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng cửa, phá sản hoặc tạm ngừng kinh doanh; 27,1% đưa ra nguyên nhân do cơ sở sản xuất, kinh doanh phải sa thải lao động để cắt giảm chi phí vì không có đơn hàng.
Liên quan đến tình trạng rút BHXH một lần, có 14% người lao động tham gia khảo sát đã từng rút BHXH một lần. Trong số này, 61% cho biết nguyên nhân là do không có nguồn tiết kiệm hoặc nguồn khác để bù đắp nguồn thu nhập bị mất khi không có việc, trong khi 14% lo lắng vào sự ổn định của chính sách BHXH.
Như vậy, khảo sát trên phần nào cho thấy, một trong những nguyên nhân chính của việc người lao động lựa chọn hưởng BHXH một lần là do không có việc làm, không có nguồn tiết kiệm để bù đắp khi mất việc làm và một phần nhỏ là lo lắng vào sự ổn định của chính sách BHXH.
Trước đó, Chính phủ trình Quốc hội 2 phương án giải quyết trong hồ sơ Luật BHXH sửa đổi.
Phương án một, phân loại hai nhóm lao động để giải quyết hưởng một lần. Người tham gia trước khi luật sửa đổi có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025) được rút một lần nếu sau 12 tháng nghỉ việc mà có nhu cầu. Nhóm còn lại bắt đầu đi làm và đóng bảo hiểm xã hội từ sau 1/7/2025 sẽ không được rút, trừ trường hợp theo quy định.
Phương án hai, lao động được giải quyết 50% tổng thời gian đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất, phần còn lại được bảo lưu trong hệ thống để sau này hưởng chế độ.